Ngày 21/6, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị "Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030". Hội nghị có sự tham dự của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng ĐBSCL, TP. HCM, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, các chuyên gia và nhà khoa học.
Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 287 của Thủ tướng Chính phủ nhằm cụ thể hóa và triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long kết cấu hạ tầng sẽ là bệ đỡ cho phát triển kinh tế- xã hội và thúc đẩy liên kết vùng.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với TP. HCM và vùng Đông Nam Bộ thông qua 2 trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thuỷ nội địa và tuyến đường sắt nối TP. HCM với Cần Thơ trong tương lai.
Đến năm 2030, sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 04 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa tại đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng sẽ tập trung phát triển hành lang đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An kết nối với TP. HCM và vùng Đông Nam bộ và hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp.
Phát triển hành lang kinh tế, đô thị dọc sông Tiền - sông Hậu từ An Giang đến Sóc Trăng gắn với phát triển cảng biển Trần Đề nhằm kết nối, giao thương quốc tế về đường bộ gắn với đường thủy nội địa và hàng hải.
Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 của Vùng khoảng 460.000 tỷ đồng.
Về nguồn lực thực hiện Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là khoảng 178.000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách trung ương là khoảng 82.000 tỷ đồng; nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 60.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong Vùng đạt khoảng 140.000 tỷ đồng.
Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng, như các tuyến đường bộ cao tốc (Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng), các tuyến đường quốc lộ; toàn bộ tuyến đường ven biển; một số trục động lực quan trọng kết nối với TP. HCM, vùng Đông Nam Bộ; cảng hàng không; các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn...