Không ban hành các tiêu chí để hạn chế hay ưu tiên nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Liên quan tới một số ý kiến của các chuyên gia trong nước về việc Bộ GTVT cần phải đưa ra những tiêu chí ưu đãi để nhà đầu tư trong nước có thể trúng thầu, Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (Vụ PPP - Bộ GTVT).
Căn cứ pháp lý tổ chức đấu thầu quốc tế
Tại sao dự án cao tốc Bắc-Nam lại áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế mà không đấu thầu trong nước như các dự án hạ tầng đường bộ trước đó mà Bộ GTVT đã thực hiện?
Việc tổ chức đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư đối với 8 dự án của cao tốc Bắc-Nam theo hình thức đối tác công-tư (PPP) được Bộ GTVT căn cứ theo Khoản 2, Điều 15 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định tổ chức đấu thầu quốc tế áp dụng đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, dự án đầu tư có sử dụng đất, trừ trường hợp hạn chế đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Điều 9 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế. Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội yêu cầu triển khai thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức thực hiện và quản lý Dự án.
Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu dự án BOT phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa chỉ định thầu.
Theo thông lệ quốc tế, Hiệp định mua sắm Chính phủ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) quy định Chính phủ đối xử bình đẳng, ngay lập tức và vô điều kiện giữa hàng hóa dịch vụ của các nước thành viên trừ trường hợp chỉ định thầu hoặc các gói thầu liên quan đến an ninh quốc gia. Luật Điều ước quốc tế quy định, trường hợp có cả quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia thì áp dụng điều ước quốc tế, trừ quy định trái với Hiến pháp.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, toàn bộ 8 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông đầu tư theo hình thức PPP là dự án nhóm A, thuộc lĩnh vực đường bộ. Đối chiếu với các quy định nêu trên, việc lựa chọn nhà đầu tư phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo 2 giai đoạn sơ tuyển và đấu thầu.
Trong đó, giai đoạn sơ tuyển quốc tế (thực hiện trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt) sẽ đánh giá năng lực, kinh nghiệm để lựa chọn tối đa 05 nhà đầu tư đủ điều kiện và có điểm đánh giá cao nhất vào vòng đấu thầu; giai đoạn đấu thầu (thực hiện trên cơ sở kết quả bước thiết kế kỹ thuật, dự toán theo Nghị quyết số 20/NQ-CP) sẽ lựa chọn 1 nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật và giá gói thầu tốt nhất để thực hiện dự án.
Nếu khi đấu thầu chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia hoặc không có nhà đầu tư nào tham gia Bộ GTVT sẽ xử lý thế nào?
Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ quy định việc lựa chọn nhà đầu tư phải qua đấu thầu, trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư nội và ngoại
Có ý kiến cho rằng, những điều kiện Bộ GTVT đưa ra khi lập hồ sơ đấu thầu đang làm hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư nội? Có nên đưa ra một số điều kiện ưu đãi hơn cho nhà đầu tư nội không?
Khi xây dựng hồ sơ mời thầu, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp (ngày 3/4/2019) có sự tham dự của Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số chuyên gia về đấu thầu. Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đều đánh giá quy trình xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển đã được thực hiện chặt chẽ, nội dung hồ sơ mời sơ tuyển bảo đảm tính công khai, công bằng và minh bạch theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Còn về việc ưu đãi nhà đầu tư trong nước, ý kiến các bộ, ngành liên quan và quan điểm của Bộ GTVT đều cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang là thành viên của các tổ chức quốc tế, việc đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phải bảo đảm trung thực, khách quan, công bằng theo pháp luật về đấu thầu cũng như các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuyệt đối không ban hành các tiêu chí để hạn chế hay ưu tiên nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT xây dựng với mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỉ trọng 60% tổng số điểm. Phải chăng việc đưa ra tiêu chí đang “chặn đường” trúng thầu của nhà đầu tư trong nước?
Bộ GTVT đã tính đến việc những nhà đầu tư trong nước đáp ứng các tiêu chí tối thiểu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ như: Vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét; dự án có vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp tối thiểu bằng yêu cầu vốn chủ sở hữu dự án đang xét; đã thi công dự án/gói thầu có giá trị 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét... số lượng rất hạn chế.
Luật Đấu thầu cũng cho phép các nhà đầu tư liên danh với các nhà đầu tư khác (trong và ngoài nước) để bảo đảm năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu. Do vậy, tiêu chí này không làm giảm khả năng tham gia của nhà đầu tư Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đấu thầu quốc tế có thể các gói thầu sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư từng có lịch sử thi công chậm, đội vốn… đã xảy ra tại Việt Nam. Bộ GTVT có lường trước việc này? Giải pháp nào để vừa đảm bảo công bằng, vừa hạn chế rủi ro như với một số dự án gần đây?
Thời gian vừa qua, một số nhà đầu tư nước ngoài (như Tập đoàn Thái Bình Dương, tập đoàn CGGC của Trung Quốc; Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản; tập đoàn Hyundai, Lotte của Hàn Quốc; Tập đoàn Acciona của Tây Ban Nha...) có quan tâm và tiếp xúc với Bộ GTVT để tìm hiểu về thông tin về Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam cũng như các cơ chế triển khai Dự án.
Đối với vấn đề dư luận quan ngại, chúng tôi cho rằng nếu phía cơ quan Nhà nước không có cơ chế quản lý chặt chẽ sẽ không thể kiểm soát được việc thi công chậm, đội vốn lớn như đã từng xảy ra... Thậm chí, các cơ quan quản lý Nhà nước còn phải bồi thường do không lường trước được các rủi ro như chậm giải phóng mặt bằng, chậm bố trí vốn nhà nước... cho dù nhà đầu tư đến từ bất cứ nước nào.
Bộ GTVT hiểu rằng, vấn đề đặt ra là phía cơ quan Nhà nước cần xác định được các rủi ro và xây dựng cơ chế phân bổ rủi ro hợp lý cho các bên theo đúng quy định pháp luật Việt Nam và theo các quy định quốc tế.
Chính vì thế, Bộ GTVT đã chủ động mời tư vấn giao dịch quốc tế dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) để tư vấn pháp lý xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng và hỗ trợ trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Đơn vị tư vấn hỗ trợ kỹ thuật chúng tôi cũng mời 2 trong 4 đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới là Deloitte và Ernst & Young (EY) rà soát và đánh giá hồ sơ mời sơ tuyển.
Được biết, ngày 16/5 tới đây, Bộ GTVT sẽ tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư cao tốc Bắc-Nam. Đã có bao nhiêu nhà đầu tư quan tâm đến dự án?
Ông Nguyễn Danh Huy: Hiện tại có 98/150 nhà đầu tư quan tâm xác nhận có tham gia Hội nghị. Trong đó, có 47 quốc gia, vùng lãnh thổ bày tỏ sự quan tâm đến dự án, tiêu biểu như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Hong Kong, Singapore, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Malaysia, Philippines…
Đến ngày 20/5, các Ban quản lý dự án của Bộ sẽ tiếp tục có những buổi giới thiệu riêng chi tiết về từng dự án thành phần để các nhà đầu tư quan tâm có thể đưa ra những câu hỏi và Bộ GTVT trả lời.
Xin cảm ơn ông!