Đầu tư FDI tăng 28,2% dự án nhưng giảm 7% vốn so với năm 2018

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/11/2019, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Đầu tư FDI tăng 28,2% dự án nhưng giảm 7% vốn so với năm 2018

Trong đó, có 3.478 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký 14,68 tỷ USD, tăng 28,2% về số dự án nhưng giảm 7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. 

Bên cạnh đó, có 1.256 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng số vốn tăng thêm 5,87 tỷ USD, tăng 20% về số dự án nhưng giảm 10,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. 

Trái ngược xu hướng giảm của vốn đăng ký mới và tăng thêm, vốn đầu tư theo góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh.

Cụ thể, trong 11 tháng năm 2019, cả nước có 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 11,24 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.

Đánh giá về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 11 tháng qua, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, mặc dù vốn đầu tư đăng ký mới trong 11 tháng vẫn giảm, nhưng tốc độ giảm đã nhỏ dần so với các tháng trước. 

Nếu không tính các dự án lớn trên 1 tỷ USD được cấp mới trong cùng kỳ năm 2018, thì tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 11 tháng năm 2019 vẫn tăng 40,5% so với cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay, dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư lớn nhất chỉ là 420 triệu USD, thì năm ngoái, dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội có vốn đầu tư tới trên 4,1 tỷ USD. Chưa kể, còn dự án nhà máy sản xuất Polypropylene, kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng với tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vẫn theo Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. 

Cụ thể, năm 2017, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký; năm 2018 chiếm 27,78%; 11 tháng năm 2019 chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.

Trong khi đó, vốn giải ngân khá tích cực 11 tháng, đã có 17,62 tỷ USD được đưa vào thực hiện, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng năm 2019, đã có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. 

Trong đó, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,69 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông).

Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,73 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,47 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản...

Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 2 lần, từ Hồng Kông tăng 3,9 lần so với cùng kỳ 2018.

Xem thêm

Hà Nội cấp phép 91 dự án FDI mới

Hà Nội cấp phép 91 dự án FDI mới

Tháng 10, Hà Nội có 91 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 468 triệu USD, trong đó có 72 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 19 dự án liên doanh, liên kết.

Có thể bạn quan tâm