Đẩy nhanh quá trình xanh hoá hoạt động ngành ngân hàng

Hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện, tạo điều kiện cho ngân hàng xanh phát triển...

Đẩy nhanh quá trình xanh hoá hoạt động ngành ngân hàng

Số liệu được công bố tại toạ đàm “Ngân hàng xanh – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho các tổ chức tín dụng Việt Nam” cho biết, giai đoạn 2017 – 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 22,98%năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế.

Mặc dù tăng trưởng là như vậy, nhưng đến ngày 30/6/2023, mới có 43 tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt 527.947 tỷ đồng, tương đương 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong đó, dư nợ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh chiếm 31% tổng dư nợ tín dụng xanh.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, xanh hoá nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu và ngày càng được quan tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ tăng trưởng kinh tế đến môi trường và xã hội.

230e576c-0705-4a4d-8a5e-1f4772b8dcbf.jpeg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Để làm được điều đó, tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, như số liệu trên, tín dụng xanh vẫn chiếm phần nhỏ bé so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Ông Hùng lý giải nguyên nhân là do sự phát triển của lĩnh vực kinh tế xanh ở Việt Nam chưa được khai thác hết tiềm năng.

Bên cạnh đó, việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các tổ chức tín dụng Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như: kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn hạn chế.

“Một số ngân hàng rất chủ động, tiên phong nhưng số khác lại chậm chân. Có ngân hàng chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro với mảng này…”, ông Hùng đặc biệt nhấn mạnh.

Bổ sung thêm Ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ, thực tế việc triển khai tín dụng xanh vẫn tồn tại một số khó khăn.

Điển hình nhất là việc Việt Nam vẫn chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở để huy động nhiều hơn nữa nguồn tài chính xanh. Trên cơ sở một danh mục phân loại xanh quốc gia với các tiêu chí môi trường rõ ràng thì tỷ trọng đóng góp của ngành ngân hàng sẽ cao hơn nhiều con số tín dụng xanh hiện tại.

Ngoài ra, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, do vậy, các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay. Trong khi đó, Việt Nam vẫn thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.

Do đó, theo ông Quý, trong thời gian tới, trên cơ sở bám sát các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các Đề án, Chiến lược, Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, với vai trò nhiệm vụ, chức năng của ngành Ngân hàng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành Ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Cũng tại toạ đàm, với việc sớm triển khai quản lý phát triển bền vững và thay đổi khí hậu đối với khách hàng, đại diện Standard Chartered cho biết, kinh nghiệm của ngân hàng là tập trung vào 3 mảng chính.

Thứ nhất, với rủi ro danh tiếng và phát triển bền vững, ngân hàng đặt mục tiêu bảo vệ thương hiệu của mình khỏi những tổn thất nghiêm trọng ảnh hưởng đến danh tiếng bằng cách đảm bảo rằng mọi hoạt động kinh doanh đều được đánh giá và quản lý một cách thỏa đáng bởi các cấp quản lý liên quan và quy trình giám sát hiệu quả. Điều này bao gồm khả năng tổn thất do không duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh một cách có trách nhiệm hoặc vi phạm cam kết của Standard Chartered là không gây ra tổn hại đến môi trường và xã hội.

Thứ hai, với rủi ro khí hậu, ngân hàng đặt mục tiêu đo lường và quản lý các rủi ro tài chính và phi tài chính do biến đổi khí hậu đồng thời giảm lượng khí thải từ chính các hoạt động của ngân hàng và những hoạt động liên quan đến việc tài trợ các khách hàng phù hợp với Hiệp Ước Paris.

Thứ ba, với tài chính bền vững, ngân hàng đặt mục tiêu tiếp tục tập trung tài trợ tài chính bền vững và chuyển đổi nhằm hỗ trợ mục tiêu đẩy nhanh quá trình giảm phát thải ròng bằng 0. Ngân hàng cung cấp khả năng tiếp cận tài chính, mạng lưới hoạt động và đào tạo thế hệ trẻ nhằm hỗ trợ mục tiêu mở rộng sự tham gia của các cộng đồng trên toàn lãnh thổ mà Standard Chartered đang hoạt động.

Đồng thời, bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Standard Chartered Việt Nam thông tin thêm, Việt Nam là thị trường tăng trưởng trọng điểm trên thế giới và đối với Standard Chartered.

"Chúng tôi đã hoạt động tại Việt Nam được 119 năm. Cam kết của chúng tôi với Việt Nam kiên định không chỉ để tiếp tục mở rộng và phát triển kinh doanh mà còn vì lộ trình tăng trưởng của đất nước tuyệt vời này. Do đó chúng tôi sẽ cố gắng giúp ngành ngân hàng Việt Nam sớm xanh hoá hoạt động ngân hàng", bà Michele Wee nhấn mạnh.

Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách, tích cực hoàn thiện các chính sách, văn bản quy định về hoạt động ngân hàng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải các-bon, hướng tới tăng trưởng xanh.

Đặc biệt, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT- NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thể hiện trách nhiệm của ngành ngân hàng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường sức chống chịu của hệ thống ngân hàng trước rủi ro về môi trường.

Theo quy định tại Thông tư 17, chậm nhất 1/6/2023 các tổ chức tín dụng phải hoàn thành việc xây dựng quy định nội bộ để quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Có thể bạn quan tâm