Đề xuất cấm cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội

Trong góp ý về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất bổ sung một số nội dung liên quan…

Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung nội dung cấm cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội và mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia bảo hiểm xã hội. 

Được biết, sổ bảo hiểm xã hội là một loại giấy tờ ghi nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế của người lao động mà quá trình đó có sự tham gia đóng góp của cả người lao động, người sử dụng lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Vì vậy, sổ bảo hiểm xã hội không thể được coi là một loại tài sản thuộc sở hữu của người lao động, người lao động không có quyền định đoạt như cầm cố, mua bán hay thế chấp. 

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội không phù hợp với bản chất của bảo hiểm xã hội, đó là đảm bảo an sinh xã hội và có sự chia sẻ giữa những người cùng tham gia và khiến sổ bảo hiểm xã hội trở nên giống với hợp đồng bảo hiểm thương mại. 

Việc cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Đồng thời phát sinh tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo trong việc cho vay, cầm cố nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội không có căn cứ để giải quyết. 

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn đề xuất cấm hành vi mượn các loại hồ sơ, giấy tờ của người khác như giấy khai sinh, bằng cấp, chứng chỉ, sơ yếu lý lịch để tham gia bảo hiểm xã hội.

Theo Bảo hiểm xã hội, hành vi này dễ dẫn đến việc trùng thông tin tham gia bảo hiểm xã hội với “chính chủ” hoặc có sự không đồng nhất trong hồ sơ, giấy tờ trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan tới hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. 

Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH, của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội cũng đã nêu rõ: Người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao động và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động.

Cũng căn cứ quy định tại điểm b, khoản 1, điều 49 thuộc Bộ luật Lao động, trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ khi có hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội. Đây được coi là hành vi gian dối, có nguy cơ gây thiệt hại đến lợi ích của cá nhân, tổ chức và Nhà nước.

Trước đó, tại dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động-Thương binh và xã hội đã đề xuất tám nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Việc quy định chi tiết và bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm giúp hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, giúp các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thực hiện một cách nghiêm túc.

Có thể bạn quan tâm