11 hiệp hội kiến nghị miễn đóng bảo hiểm xã hội

Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, các hiệp hội đề xuất doanh nghiệp, người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
11 hiệp hội kiến nghị miễn đóng bảo hiểm xã hội

11 hiệp hội ngành hàng đã kiến nghị gồm: Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam; Hiệp hội nhựa Việt Nam; Hiệp hội da giày- túi xách Việt Nam; Hiệp hội thực phẩm Minh Bạch; Hiệp hội chè Việt Nam; Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Hiệp hội lương thực thực phẩm TP. HCM; Hiệp hội sữa Việt Nam; Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao; Hiệp hội Mỹ Nghệ và chế biến gỗ TP. HCM và Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam

Trong văn bản gửi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, 11 hiệp hội ngành hàng cho biết, bước sang tuần đầu của tháng 9/2021, các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động đã chạm ngưỡng áp lực có thể chịu đựng.

Theo đó, các doanh nghiệp dù sản xuất cầm chừng theo 3 tại chỗ (chiếm 15-20% số các nhà máy) hay ngưng sản xuất (80-85% số nhà máy), thì đều rơi vào mẫu số chung là gián đoạn nguồn cung nguyên liệu, mất khách hàng, thị phần, thiếu hụt lớn nguồn lao động.

Theo 11 hiệp hội ngành hàng, điểm chung của các ngành hàng sử dụng nhiều lao động là chi phí cho người lao động, bao gồm chi phí tiền công, bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn… rất lớn.

Cụ thể, riêng việc đóng bảo hiểm xã hội theo quy định, doanh nghiệp và người lao động đã phải đóng 32,5% tổng quỹ lương.

Trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng (3 tại chỗ) hoặc ngưng sản xuất, khiến công suất, sản lượng giảm tới 70%. Tuy nhiên, các chi phí liên quan đến người lao động (bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn…) vẫn giữ nguyên, thậm chí doanh nghiệp vẫn phải trả lương ngưng việc theo quy định của Luật Lao động, khiến khó khăn càng chồng chất.

Từ những khó khăn nêu trên, 11 hiệp hội ngành hàng kiến nghị Phó Thủ tướng sắp xếp và chỉ đạo có một cuộc họp trước 18/9 để các hiệp hội ngành hàng có sáng kiến, đề xuất, kiến nghị nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn.

Tuy nhiên, trong khi chờ cuộc họp, 11 hiệp hội ngành hàng kiến nghị Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét cho một vấn đề bức thiết, mà cụ thể là đối với những lao động tạm ngưng việc (do doanh nghiệp ngưng sản xuất hoặc không thể tham gia làm việc 3 tại chỗ hoặc phải đi cách ly) cho phép hỗ trợ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội, tức hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm trong thời gian thực hiện giãn cách hay cách ly để phòng, chống dịch Covid-19.

Mặt khác, 11 hiệp hội ngành hàng cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp và người lao động được miễn giảm 100% phí bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngưng hoạt động và thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu nhà nước (kể cả trường hợp người lao động ngưng việc được doanh nghiệp trả lương tối thiểu);

Cho phép doanh nghiệp ở các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg hoặc các khu vực, địa phương mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch, UBND các tỉnh yêu cầu doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường 2 điểm đến, được tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 3 tháng sau khi được gỡ bỏ giãn cách, bỏ yêu cầu thực hiện 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến.

Đối với những lao động đã và đang làm việc 3 tại chỗ, các hiệp hội kiến nghị cho phép doanh nghiệp và người lao động được giảm 50% mức đóng bảo hiểm xã hội trong 6 tháng; không áp dụng các hình thức xử phạt đối với các doanh nghiệp không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội trong giai đoạn phong tỏa do phải ngưng sản xuất hoặc bị giảm quy mô sản xuất do dịch Covid-19.

Các hiệp hội ngành hàng cũng kiến nghị, bảo hiểm y tế chi trả chi phí xét nghiệm Covid-19 cho các doanh nghiệp…

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...