Công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng, đơn vị đề xuất dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận đề xuất nguồn vốn nhà nước tham gia dự án và việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để bổ sung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo Công ty Bạch Đằng, để phương án phân tích, đánh giá tài chính của dự án có tính khả thi, cũng như thu hút được các nhà đầu tư tham gia, đơn vị này đề xuất nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ cho dự án khoảng 9.900 tỷ đồng.
Trong đó gồm: Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 4.091 tỷ đồng theo đơn giá đất cập nhật năm 2023 (tỉnh Ninh Thuận khoảng 608 tỷ đồng, tỉnh Lâm Đồng khoảng 3.483 tỷ đồng); Chi phí hỗ trợ xây dựng khoảng 5.089 tỷ đồng. Như vậy, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 25.000 tỷ đồng thì nguồn vốn ngân sách mà nhà đầu tư đề xuất chiếm gần 40%.
Công ty Bạch Đằng cũng đề xuất tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng xem xét khả năng cân đối và bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương cho dự án; dự kiến nguồn vốn sẽ giải ngân trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 cho các hạng mục đã đề xuất.
Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, khối lượng chiếm dụng đất rừng của dự án khoảng 38,11ha, trong đó, đất rừng phòng hộ khoảng 3,44ha đều thuộc tỉnh Lâm Đồng, đất rừng sản xuất khoảng 34,67ha (Ninh Thuận 18,84ha và Lâm Đồng 15,83ha).
Theo quy định hiện hành thì thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án này là HĐND tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Chính vì vậy, Công ty Bạch Đằng đề nghị hai tỉnh này xem xét, giao đầu mối phối hợp với nhà đầu tư để lập và trình hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có điểm đầu tại ga Tháp Chàm (Km0+000) thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), điểm cuối là ga Đà Lạt (Km 83+490) thuộc phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tổng chiều dài tuyến đường thuộc dự án khoảng 83,5km, dự kiến bao gồm 16 ga và trạm khách.
Đây là tuyến đường sắt đã từng được người Pháp xây dựng từ năm 1908 - 1932, với 12 nhà ga, 5 hầm chui và có 2 đoạn răng cưa để vượt đèo dốc dài gần 14km. Từ năm 1968, tuyến đường ngừng khai thác. Sau năm 1975, tuyến hoạt động trở lại nhưng chỉ được vài chuyến. Đến năm 1986, hầu hết tà vẹt, đường ray bị tháo dỡ.
Đây là lý do khiến dự án được kỳ vọng sẽ phục hồi được một tuyến đường sắt di sản độc đáo không những tại Việt Nam, mà cả trên thế giới, không chỉ có chức năng vận tải và còn tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn khi kết nối hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.
Tuy nhiên, do tuyến đường dừng khai thác quá lâu, nên ngoài việc phải đầu tư mua sắm thiết bị đầu máy, toa xe, để có thể vận tải hành khách và hàng hóa, dự án gần như phải làm mới hàng loạt công trình hạ tầng, thông tin tín hiệu; xây dựng depot, nhà xưởng sửa chữa đầu máy, toa xe khu vực depot Tháp Chàm…
Đặc biệt, đoạn tuyến từ Tháp Chàm đến Sông Pha có thể sử dụng các loại đầu máy, toa xe của đường sắt khổ 1.000 mm đang khai thác, nhưng đối với đoạn từ Sông Pha đến Đà Lạt sẽ sử dụng các loại đầu máy răng cưa và các loại toa xe có chiều dài ngắn hơn để đi qua các đoạn có đường ray răng cưa và bán kính đường cong nhỏ.