Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP ngày 4/10/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành.
Đối với các chính sách có hiệu lực hết năm 2023, Chính phủ yêu cầu chủ động nghiên cứu, rà soát, xem xét, kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn trong trường hợp cần thiết để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
"Đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian giữa 02 kỳ họp Quốc hội. Nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp gần nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7/10/2023", Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính.
Trước đó vào giữa tháng 6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.
Theo Nghị định số 44, từ 1/7/2023, sẽ giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm 4 hàng hóa, dịch vụ.
Thứ nhất, viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.
Thứ hai, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thứ ba, công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.
Thứ tư, việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
Nghị định 44 sẽ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023. Theo Bộ Tài chính việc giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước tương đương khoảng 24.000 tỷ đồng.
Cũng trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác.
"Không tạo ra những biến động mạnh, thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Điều hành tỷ giá phải phù hợp với tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối", Chính phủ yêu cầu.
Chính phủ cũng yêu cầu thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng và tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Được biết, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm dần, hiện lãi suất cho vay bình quân khoảng 7,9%/năm đối với cho vay mới.