Thuế giá trị gia tăng sẽ giảm về 8%, nhưng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, việc giảm thuế không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Giảm thu ngân sách 24.000 tỷ đồng
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, cả người dân và doanh nghiệp đều bày tỏ sự vui mừng, chờ ngày chính sách giảm thuế chính thức được áp dụng. Việc giảm thuế giá trị gia tăng được xem như là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng của cả xã hội, qua đó sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi.
Theo đánh giá của Chính phủ, người dân sẽ là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại… Chính sách giảm thuế được coi là mũi tên trúng nhiều đích, bởi khi được giảm thuế giá trị gia tăng thì giá cả trên thị trường sẽ giảm, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm trực tiếp 2% chi tiêu bình quân, điều này sẽ góp phần kiềm chế kiểm soát được việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Bà Nguyễn Hồng Minh, một giáo viên đã nghỉ hưu sinh sống tại địa bàn phường Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội cho biết, kể từ khi bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, gia đình bà chi tiêu khá tằn tiện, thắt chặt chi tiêu trong đời sống hàng ngày. Thậm chí, kể từ đầu năm 2023, khi thuế VAT quay về mức 10% thì việc chi tiêu còn bị hạn chế hơn.
Tuy nhiên, khi đón nhận thông tin lại giảm 2% thuế VAT với một số hàng hóa, dịch vụ, bà Minh rất vui mừng. Vì điều đó có thể giúp bà Minh tiết kiệm được một phần chi phí hàng tháng mặc dù không quá lớn. Cùng với một số tiền, bà có thể mua được nhiều hàng hơn hoặc chi tiêu vào những hạng mục khác phục vụ cuộc sống gia đình.
Theo ước tính của Chính phủ, nếu giảm 2% cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng đang áp dụng thuế suất 10% trong 6 tháng cuối năm, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước tương đương khoảng 24.000 tỷ đồng (đối với thu ngân sách Nhà nước năm 2023 thì dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu thuế VAT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 1/2024).
Tuy nhiên việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm giá thành dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Có thể thấy, việc đưa ra chính sách giảm VAT vào thời điểm này được đánh giá là phù hợp với bối cảnh nền kinh tế đang cần những trợ lực, giảm thuế sẽ đem lại sự hỗ trợ dài hơi thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Tác động tích cực tới doanh nghiệp
Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn ở khâu nhập nguyên vật liệu cũng như đầu ra cho sản phẩm, việc chính sách giảm thuế VAT được ban hành có tác động tích cực tới doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Khi thuế giảm, đồng nghĩa với giá thành sản phẩm sẽ giảm, từ đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, cân đối được ngân sách, các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh chiến lược tiêu thụ sản phẩm.
Trong bối cảnh đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023, đây là chính sách được người dân cũng như doanh nghiệp mong chờ, nhằm giải tỏa ngay lập tức vấn đề về giá cả đang kìm kẹp nhu cầu tiêu dùng thời gian qua.
Trong năm 2022, kết quả thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44.500 tỷ đồng trong 11 tháng áp dụng, giảm trung bình một tháng khoảng 4.000 tỷ đồng.
Khi thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế giá trị gia tăng nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay bình quân mỗi tháng có đến 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thì việc áp dụng chính sách giảm VAT xuống còn 8% sẽ có tác động tuần hoàn qua lại giữa người dân và doanh nghiệp, nhằm kích cầu tiêu dùng thúc đẩy sản xuất kinh doanh sớm phục hồi. Bên cạnh đó, chính sách này cũng góp phần kích thích yếu tố đầu tư từ nước ngoài, với những ưu đãi về thuế, phí sẽ giảm được giá bán, tăng sức cạnh tranh.
Theo TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho hay, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ kích thích tiêu dùng đối với thị trường nội địa và mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam. Việc giảm thuế không chỉ giảm khó khăn cho doanh nghiệp mà chính là giảm chi phí cho người dân, kích cầu trong hệ thống chuỗi giá trị cung ứng. Giảm 2% tuy là không nhiều nhưng thị trường nội địa cần có sự phát triển và như vậy cũng tăng được nguồn thu.
Có thể nói, động thái tích cực này của Chính phủ, Quốc hội cùng với sự hỗ trợ tổng thể của nhiều chính sách khác sẽ tạo đà cho doanh nghiệp sớm phục hồi trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức.