Đêm Hội An...

Khi đến Venice ở Italy, tôi bỗng nghĩ đến Hội An. Khi đến Hội An, tôi lại liên tưởng đến Venice, dù hai địa danh này chả có gì giống nhau. Một cảm xúc thật kỳ lạ.

Chỉ là những con đường tấp nập “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”; là cái không khí náo nức tràn qua làm náo động cả những căn nhà cổ vốn phố thâm u lặng lẽ; chỉ là ý nghĩ bất chợt đến và bám riết trong đầu “người dân nơi này thật hạnh phúc bởi ngày ngày được sống trong không khí tươi vui hội hè...”. Phải chăng đó chính là điểm gắn kết giữa hai thành phố vốn ở cách xa nhau hàng vạn cây số?!

Chân dung là những bức ảnh nổi bật của nhiếp ảnh gia Rehahn
Chân dung là những bức ảnh nổi bật của nhiếp ảnh gia Rehahn

Chúng tôi vào phố khi vừa chớm tối. Đường vắng ngắt, chỉ có tiếng gió thổi đâu đây suốt dọc phố imlìm. Có lẽ chỉ có ba chúng tôi là du khách đi dạo lúc này. Những căn nhà cổ cửa đóng then cài, thi thoảng mới có vài ba ánh đèn hắt ra từ nhà ai đó. Tôi chợt bắt gặp hình ảnh mấy người đàn ông trung niên kê bàn ra hiên uống trà. Hình ảnh đó lại khiến tôi thấy như vừa được quay trở lại cảnh tượng trên con phố nhà tôi ở thị xã Hải Dương mấy chục năm về trước. Những căn nhà xưa cũ vôi vàng, những vỉa hè loáng thoáng người đi, những tán bàng đang mùa thay lá... Thật là êm dịu xiết bao.

Vắng khách du lịch, Hội An như đang quay trở lại những năm tháng xa xưa nào đó với nhịp điệu sống chầm chậm (giống vẻ trễ nải của cô gái đẹp sau giờ ngủ trưa). Thi thoảng một, hai bóng người đạp xe thong thả qua. Hai chú chó nhỏ chạy lông nhông trên đường, có lúc đứng dừng lại nhìn chúng tôi tò mò rồi lại rảo cẳng chạy tiếp. Chúng tôi không tìm ra phòng tranh nhỏ của chị chủ tên Mai – nơi hai năm trước đã dừng chân và chọn được mấy bức tranh ưng ý. Ny–cô em quê gốc Hội An và làm ăn kinh doanh ở đây bảo với tôi rằng “Mọi người đóng cửa hàng hết rồi, một vài tháng không có khách thì còn chống chọi nổi. Giờ cả năm trời, tiền nhà tiền điện, tiền nhân công... chịu sao thấu chị. ”Đúng là không ai có thể ngờ được rằng có ngày cảnh tấp nập sáng đèn chả biết có đêm, người và xe đạp, xe xích lô chen nhau như trảy hội, tranh ảnh, lụa là, đồ mỹ nghệ... tưng bừng rực rỡ như thế bỗng chốc biến đâu mất, thay vào đó là một thành phố như đang “thiếp ngủ” thế này! Mà đâu riêng Hội An, những thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới như Paris, Amsterdam, Madrid, Venice... cũng đều chung số phận. Sự nghiệt ngã mà con vi rút bé xíu có tên COVID-19 áp đặt lên tất cả nhân loại thật khủng khiếp. Chưa bao giờ con người lại cảm thấy bất lực đến như vậy. Nó khiến cho người ta phải tự mình nhìn và đánh giá lại chính những giá trị mà mình tạo ra.

Một trong những bức ảnh ấn tượng của nhiếp ảnh gia Rehahn
Một trong những bức ảnh ấn tượng của nhiếp ảnh gia Rehahn

Bước chân đưa tôi đến căn nhà sáng đèn nhất phố Phan Bội Châu. Những bức ảnh nổi tiếng trưng bày trước hiên cho tôi biết tôi đang bước chân vào Bảo tàng ảnh nghệ thuật “Di sản vô giá” của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Rehahn. Ông được giới truyền thông mô tả như một người “lưu giữ linh hồn nhân vật”. Bức ảnh nổi tiếng “Nụ cười ẩn giấu” hay “Madam Xong” của ông được đưa vào Bộ sưu tập của Bảo tàng phụ nữ VN. Một bức ảnh khác “Những người bạn tốt” (1x1,5m) được bán với giá 17.000 USD cho một nhà sưu tập người Amsterdam và đã trở thành bức ảnh đắt giá nhất VN. “Sự liên kết độc đáo giữa phong cách ảnh nghệ thuật và ảnh tài liệu của Reshahn đem đến những bức ảnh chứa đựng nội dung mà vẫn vô cùng mê hoặc. Chúng giúp người xem hiểu được phần nào sự tương tác giữa các nhân vật và nhiếp ảnh gia thông qua nụ cười...” Người đời đánh giá về ông như vậy nhưng có lẽ với chính tác giả tôi cho rằng công việc này còn mang đến cho ông ý nghĩa lớn hơn - vừa ghi lại khoảnh khắc hiện tại, đồng thời rọi vào quá khứ để giúp ông tìm về các giá trị cội nguồn của các nhân vật - điều mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng đều mong muốn.

Tôi một mình lang thang trong bảo tàng nhỏ tĩnh lặng nhưng thấm đẫm những giá trị đặc biệt còn nguyên sơ với hơn một trăm bức ảnh và bên cạnh đó là 62 trang phục dân tộc nguyên bản của Việt Nam. Mỗi góc, mỗi bức ảnh và mỗi trang phục như muốn kể cho tôi nghe một câu chuyện nào đó, một đời sống nào đó đã từng chảy dạt dào ngoài kia...

Các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Rehahn
Các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Rehahn

Có những mẫu vật vô giá nơi đây được trao cho Reshahn bởi các già làng như gửi gắm một phần nào đó lịch sử cũng như bản sắc của họ ra bên ngoài để gìn giữ và cũng là trao cho các thế hệ kế tiếp Rehahn cho rằng đến với bảo tàng vô giá của ông. “Bạn sẽ được gặp gỡ và những nhóm nhỏ mà dân số chỉ vài trăm người cũng như một số nhóm khác mà ngôn ngữ chỉ còn tồn tại trong trí nhớ những người già nhất trong làng. Bạn sẽ thấy như mình đang trèo lên những ngọn núi vùng Sapa để gặp người Dao và người H’mông, những dân tộc có kỹ thuật làm vải vóc vô cùng phong phú, hoặc bạn sẽ đến Tây Nguyên để tìm hiểu về phương pháp làm cà phê thủ công của người K’Ho...”.

Đến Hội An Việt Nam từ năm 2011 và xem nơi đây là nhà mình, đi khắp mọi miền đất nước bằng xe máy trong 8 năm và hoàn thành dự án “Di sản vô giá” của mình, thực sự Bảo tàng của Rehahn như một bản tụng ca về cuộc sống và tình yêu thương con người.

Tôi cứ nấn ná mãi bên không gian sống động, đa dạng và tươi tắn này bởi những sắc màu, sự khéo léo, tinh tế... của chính những nhân vật, hay nói khác đi là của nhân dân, đất nước mình. Tấm lòng chân thành và tài năng của chính tác giả - người chỉ mong muốn thu hút sự chú ý dành cho “một nền lịch sử văn hóa sống động và phi thường của đất nước mà tôi gọi là nhà...! Ghé thăm bảo tàng là một cuộc hành trình đi vào trí tuệ của một thế hệ và giá trị lớn lao của di sản” khiến tôi cảm động rưng rưng - nhất là trong một tối vắng và se lạnh của Hội An.

Thăm Hội An trong một chiều se lạnh và vắng lặng mang lại một cảm giác rất đặc biệt
Thăm Hội An trong một chiều se lạnh và vắng lặng mang lại một cảm giác rất đặc biệt

Gió thổi tung cả vạt áo choàng khi chúng tôi chọn bữa tối trong nhà hàng Tây nổi tiếng bên sông. Salat, gà nướng, rau củ... những món ăn dường như khiến chúng tôi được an ủi phần nào bởi vắng những du khách Tây thường chật kín nhà hàng ngày trước...

Tiễn chúng tôi về tận khách sạn vẫn lại là Ny bảo - Nếu là ngày chưa dịch, các chị khó mà đặt được phòng ở Altara vì đông, và vì giá rất đắt...

Sáng sớm tôi trở dậy bước ra bãi cỏ trước phòng dõi mắt nhìn mặt trời khẽ he hé phía sông. Một ngày mới lên rồi. Cầu mong cho dịch chóng qua đi, thế giới trở lại bình thường xưa cũ. Thật chẳng thể ngờ có ngày chỉ cầu lại bình thường như cũ - Hội An ơi!

Hội An, tháng 3.2021

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Madam Pang sở hữu bộ sưu tập hàng hiệu đồ sộ

Người đứng sau đế chế Hermes tại “xứ chùa Vàng”

Madam Pang được người hâm mộ bóng đá biết đến là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan, nhưng có thể nhiều người chưa biết, bà còn là nữ doanh nhân đứng sau “đế chế” thời trang đồ hiệu xa xỉ trên đất Thái…

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, nhưng bộ môn thể thao Pickleball cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây chấn thương khó lường…