Đề án nhằm hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đônhanh và bền vững.
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố; truyền thông, thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo đến từng người dân, sinh viên, thanh niên và đội ngũ trí thức trên toàn Thành phố; hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp của Thành phố thực hiện vai trò kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô.
Ngoài ra, từ năm 2019 đến năm 2025 thành phố Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ hình thành thêm từ 2 đến 3 vườn ươm doanh nghiệp, không gian khởi nghiệp để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích hình thành từ 3 đến 5 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân; thu hút các Quỹ đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội; phấn đấu đến hết năm 2025, thành phố hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.
“Hà Nội hiện có khoảng 268.000 doanh nghiệp, đứng thứ 2 trên cả nước. Việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025” là hết sức cần thiết và cấp bách, phù hợp xu hướng phát triển hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp sáng tạo, hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Thành phố, xây dựng Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước.
Đối tượng của Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo là các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo hoặc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... thuộc các ngành, lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, bao gồm công nghệ tài chính-ngân hàng (Fintech); công nghệ thông tin; thương mại điện tử; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới và một số lĩnh vực công nghệ đặc biệt khác; dành cho giáo dục đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu, du lịch và thiết kế tạo mẫu các sản phẩm làng nghề đặc trưng của Hà Nội (gốm sứ, lụa, gỗ....); dành cho công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dành cho các dự án có mục đích phục vụ lợi ích xã hội, cộng đồng và giải quyết các vấn đề thách thức về kinh tế xã hội như: ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống ùn tắc giao thông, phục vụ quản lý đô thị...
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần).
Các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất-kỹ thuật, truyền thông, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội (vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức tăng tốc kinh doanh, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học...); các quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.