Đến năm 2045, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành gần 600km đường sắt đô thị

Theo tờ trình gửi Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng 598,5km đường sắt đô thị...

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng 598,5km đường sắt đô thị (Ảnh minh họa)
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng 598,5km đường sắt đô thị (Ảnh minh họa)

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa gửi Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội xem xét thông qua đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô. Dự kiến đề án sẽ được Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 17, tổ chức từ ngày 1/7 - 5/7.

Theo đó, việc xây dựng đề án nhằm hiện thực hóa kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, xác định mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội. Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc đề ra, thành phố đề xuất “1 kế hoạch, 3 phân kỳ” đầu tư.

Cụ thể, Hà Nội dự kiến nhu cầu vốn, kế hoạch phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư. Trong phân kỳ 2024 – 2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km (gồm các tuyến số 22, số 33, số 5), chiếm khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đã được phê.

Đồng thời, Hà Nội cũng thực hiện chuẩn bị đầu tư 301 km gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh. Nhu cầu vốn khoảng 14.602 tỷ USD.

Trong phân kỳ 2031 – 2035, thành phố dự kiến hoàn thành đầu tư xây dựng 301km, chiếm khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22.572 tỷ USD.

Phân kỳ 2036 - 2045, thành phố sẽ hoàn thành đầu tư hơn 200 km các tuyến, đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo quy hoạch thủ đô và quy hoạch chung thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Nhu cầu vốn khoảng 18.252 tỷ USD.

Về phương án huy động và cơ cấu nguồn vốn, đề án sẽ thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công gồm ngân sách, vay trái phiếu, vay ODA và các nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định.

Trong đó, một số quy định, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đề xuất áp dụng theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang trình Quốc hội thông qua và kịch bản tăng trưởng trong Quy hoạch Thủ đô dạng trình Chính phủ phê duyệt, tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động được của thành phố đến năm 2035 là khoảng 28.560 tỷ USD.

Theo đó, đến năm 2030 có thể cân đối được khoảng 11.570 tỷ USD, trong khi nhu cầu là 14.602 tỷ USD, chưa cân đối được 3.032 tỷ USD. Đến năm 2035 có thể cân đối được khoảng 16.990 tỷ USD, trong khi nhu cầu là 22.572 tỷ USD, chưa cân đối được 5.582 tỷ USD. Đến năm 2045 có thể cân đối được khoảng 29.210 tỷ USD, đủ đáp ứng nhu cầu giai đoạn này.

Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8.614 tỷ USD trong hai kỳ trung hạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035. Giai đoạn sau năm 2035, thành phố Hà Nội chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị bổ sung.

Để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, đề án sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Trong đó, có thể để nhà đầu tư tư nhân được nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng, được tham gia đầu tư, phát triển các dự án trong khu vực TOD được quy hoạch.

Cùng với đó là tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tư nhân mua sắm phương tiện đầu máy, toa xe… theo một gói chung, bảo đảm mục tiêu giảm tổng giá thành mua sắm so với cách thức thực hiện riêng rẽ như hiện nay.

Về phương án lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trên toàn hệ thống, thành phố đề xuất lựa chọn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dùng chung và các thông số kỹ thuật chính để cho phép khả năng liên vận giữa các tuyến với nhau, tối ưu hóa chi phí đầu tư, năng lực bảo trì, sửa chữa và vận hành.

Về nhóm cơ chế, chính sách cần thiết để thực hiện, Hà Nội đưa ra 4 chính sách về quy hoạch; 4 chính sách về thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư; 4 chính sách về huy động vốn; 8 chính sách về công tác lập đề xuất dự án, các thủ tục liên quan đến dự án; 1 chính sách về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ…

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...