Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV) vừa thông qua phương án vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của công ty. Cụ thể, công ty này dự kiến vay tối đa 300 tỷ đồng từ công ty mẹ là Tập đoàn Đèo Cả. Hình thức vay là dạng tín chấp.
Về thời gian vay, Hội đồng quản trị ủy quyền cho Tổng giám đốc quyết định thời hạn vay cụ thể tùy vào nhu cầu thực tế của công ty tại từng thời điểm nhưng không vượt quá ngày 31/12/2025.
Lãi suất trong hợp đồng vay bằng lãi suất tiền gửi bằng VND kỳ hạn 12 tháng trả lãi sau của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cộng biên độ không quá 3%/năm.
Trước đó, hồi đầu năm 2020, HHV cũng có hợp đồng tín dụng đối với Tập đoàn Đèo Cả theo hình thức tín chấp với hạn mức 400 tỷ đồng, lãi suất 8%/năm. Thời hạn vay trong 12 tháng. Tại cuối tháng 12/2022, dư nợ cho vay của HHV với tập đoàn mẹ là 55 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị HHV cũng vừa thông qua việc góp vốn, đặt cọc góp vốn vào các công ty con. Trong đó, góp gần 109 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, gần 34 tỷ đồng Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và hơn 22 tỷ đồng Công ty Cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT. Thời gian giao dịch dự kiến trong năm 2023 và 2024.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2022 của, HHV ghi nhận doanh thu 616 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính giảm 89% trong khi chi phí tăng 18% so với quý 4/2021 dẫn đến lợi nhuận thuần kinh doanh giảm 12%, đạt 82,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hơn 75,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần của công ty gần 2.095 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu các trạm thu phí BOT chiếm 71%, hơn 25% đến từ hoạt động xây lắp. Lợi nhuận sau thuế hơn 315 tỷ đồng, tăng 8%, so với mục tiêu đạt 396 tỷ đồng cho năm 2022, HHV đã thực hiện 80% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến cuối quý 4/2022, tổng tài sản của công ty đạt hơn 35.643 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. HHV có gần 4.810 tỷ đồng chi phí trả trước, phần lớn là lãi vay chờ phân bổ (cả ngắn và dài hạn).
Bên cạnh đó, công ty có gần 28.558 tỷ đồng là tài sản cố định hữu hình (chiếm 80% quy mô tài sản) hình thành từ các dự án BOT như hạng mục hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân, tuyến cao tốc Bắc Giang – TP Lạng Sơn…
Dư nợ tài chính cuối kỳ của HHV ở mức 20.653 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu kỳ, chiếm gần 76% tổng nợ. Phần lớn nợ là các khoản vay dài hạn từ ngân hàng Vietinbank, VietABank, bao gồm khoản vay 10.169 tỷ đồng nhằm thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, khoản vay 4.800 tỷ đồng để phục vụ dự án xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1. Công ty cũng có lãi vay phải trả (cả ngắn hạn và dài hạn) tăng 63% so với đầu năm, đạt hơn 3.538 tỷ đồng.
Về dòng tiền của doanh nghiệp, dòng tiền tài chính âm 51 tỷ đồng, do trong năm công ty chi hơn 954 tỷ đồng trả nợ gốc vay. Ngoài ra, Đèo Cả thu gần 404 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu, thu từ đi vay hơn 499 tỷ đồng. Dòng tiền thuần tư hoạt động kinh doanh dương 365 tỷ đồng, từ hoạt động đầu tư âm 194 tỷ đồng. Kết quả, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương 120 tỷ đồng.