Sáng nay (2/4), CTCP Xây dựng FLC Faros (mã: ROS) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2018 nhằm xem xét thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay, phương án chia cổ tức, phát hành tăng vốn điều lệ…
Trong năm 2017, Faros có sự tăng trưởng đột biến trong hoạt động kinh doanh. Theo báo cáo của ban điều hành, công ty đã tăng vốn điều lệ thành công lên mức gần 4.730 tỷ đồng sau khi chia cổ tức, phát hành thêm… Công ty đã ký kết được nhiều hợp đồng thi công giá trị lớn đồng.
Nhờ đó, tổng doanh thu cả năm 2017 đạt 5.360 tỷ đồng, tăng trưởng 51% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 1.057 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 848 tỷ đồng, tăng tới 80,4% và hoàn thành vượt tới 44% kế hoạch mà ĐHCĐ năm trước giao. Trong đó riêng công ty mẹ Faros đạt doanh thu hơn 4.522 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu 1.897 đồng/CP.
Tại thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của Faros đã tăng lên mức 10.371 tỷ đồng so với con số 8.202 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Vốn điều lệ 4.730 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu đã tăng lên 5.682 tỷ đồng.
Trong năm 2017, Faros đã hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư các công trình quy mô lớn như: vườn thú Safari, khu đô thị FLC Sầm Sơn giai đoạn 2, khu nghỉ dưỡng FLC Hạ Long… Hiện tại, Faros đang tiếp tục thi công nhiều dự án lớn của chủ đầu tư FLC tại Quy Nhơn (Bình Định), Quảng Bình, Vân Đồn (Quảng Ninh), Thanh Hoá…
Với lợi nhuận sau thuế 848 tỷ đồng, HĐQT trình ĐHCĐ phương án chia cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 20% vốn điều lệ bằng cổ phiếu. Số cổ phiếu chia cổ tức khoảng 94,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 946 tỷ đồng tính theo vốn cổ phần.
Trước đó, năm 2017 công ty cũng đã phát hành thêm 43 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10% nhằm nâng vốn điều lệ.
Đáng chú ý, sau các đợt tăng vốn “khủng” vài năm qua, tại ĐHCĐ năm nay, HĐQT Faros tiếp tục trình kế hoạch phát hành thêm 300 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên hơn 8.664 tỷ đồng. Mốc vốn điều lệ này cũng đã được lãnh đạo công ty chia sẻ từ vài năm trước.
Theo phương án tăng vốn, công ty sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành là 19:10 với số lượng cổ phần phát hành tối đa là 300 triệu đơn vị. Mức giá phát hành dự kiến là 12.000 đồng/cổ phiếu.
Mức giá phát hành dự kiến là 12.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 1/10 so với thị giá cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán – hiện đang giao dịch ở mức 135.000 đồng/CP.
Ngay trong phiên sáng nay, giá cổ phiếu ROS bất ngờ giảm sàn về mức 125.600 đồng/CP với dư mua sàn hơn 100.000 cổ phiếu. Nhưng ngay sau đó, ROS quay đầu hồi phục, tăng trở lại mức 144.000 đồng/CP, khớp lệnh vượt hơn 1,2 triệu đơn vị.
Căn cứ vào tình hình thực tế, ĐHĐCĐ công ty ủy quyền cho HĐQT quyết định lại mức giá chào bán phù hợp nếu cần thiết nhưng không thấp hơn 10.000/CP.
Thời điểm thực hiện đợt chào bán cổ phiếu dự kiến vào quý III/2018 sau khi ĐHCĐ thường niên 2018 thông qua và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Về kế hoạch sử dụng vốn, công ty cho biết sẽ dành 83% tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành để đầu tư thực hiện Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng tại đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Được biết, dự án đảo Ngọc Vừng có tổng mức đầu tư tới 10.000 tỷ đồng, là một trong hai đại dự án trọng điểm của FLC đang đầu tư. Ngoài ra, 17% số tiền thu từ phát hành còn lại sẽ được bổ sung vào vốn lưu động.
Trả lời chất vấn cổ đông về phát hành cổ phiếu, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết giải thích, công ty đang triển khai nhiều dự án lớn với nhu cầu vốn lớn. Trong đó, FLC dự kiến đầu tư vào Đảo Ngọc Vừng khu nghỉ dưỡng và casino với quy mô hơn 2 tỷ USD. Mà Faros chính là chủ đầu tư chính nên công ty vừa phải vay vừa phát hành cho cổ đông hiện hữu mới đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư.
“Theo báo cáo tài chính, ROS nợ khoảng 700 tỷ đồng, rất ít so với tổng tài sản. Hiện có ít nhất 13 dự án lớn ROS trực tiếp là chủ đầu tư, chủ sở hữu, toàn dự án lớn hàng tỷ đô. Nhưng công ty chỉ nợ ngân hàng 700 tỷ đồng, rất thấp so với vốn điều lệ hơn 4.730 tỷ đồng. Tôi cho rằng, nếu “bán vui” dự án FLC Bình Định cũng đủ vốn điều lệ và thừa nợ ngân hàng”, ông Quyết nói, cho rằng công ty cần dồn vốn cho các dự án, phục vụ tương lai lâu dài nên quyết định chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm.
Về câu hỏi “giá phát hành chỉ là 12.000 đồng/CP, thấp hơn nhiều lần thị giá ROS”, ông Quyết cho rằng, “chúng ta phải ghi nhận những đóng góp và đầu tư dài hạn của cổ động chiến lược, đầu tư dài hạn vào ROS. HĐQT ghi nhận sự chung thuỷ, chung tình và sự tin tưởng vào bộ máy lãnh đạo của ROS nên chúng tôi thảo luận và đưa ra Đại hội mức giá như vậy. Nếu cổ đông không đồng tình thì chúng ta sẽ thực hiện bằng việc biểu quyết”. Hiện, cơ cấu cổ đông của ROS rất “cô đặc”, trong đó cá nhân ông Quyết và Tập đoàn FLC đã nắm 80% cổ phần, còn lại một số quỹ ETF lớn nắm 10%...
Trong năm 2018, Ban lãnh đạo công ty đặt kế hoạch doanh thu 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phấn đấu đạt 352 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến sẽ không thấp hơn 50% lợi nhuận sau thuế. ĐHCĐ uỷ quyền cho HĐQT lựa chọn phương án trả cổ tức bằng tiền hoặc bằng cổ phiếu, hoặc thực hiện cả hai phương án.
>> ROS đi ngược thị trường, tài sản ông Trịnh Văn Quyết “bốc hơi” gần 3.500 tỷ đồng