ĐHĐCĐ Techcombank: Thận trọng với kế hoạch lãi 22.000 tỷ đồng, có thể dứt chuỗi không chia cổ tức vào năm tới

Sáng 22/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - mã chứng khoán: TCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (ĐHĐCĐ Techcombank)...
Toàn cảnh đại hội techcombank

Tại ĐHĐCĐ Techcombank, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc tỏ ra khá chắc chắn về kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng của năm 2023, khi không dưới 5 lần nhắc tới cụm từ “tự tin” trong lúc phát biểu.

Việc tự tin cũng có phần dễ hiểu. Bởi lẽ, một phần kế hoạch này khá thận trọng, giảm tới 14% so với thực hiện năm 2022. Trong khi năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng vẫn tăng tới 10% so với năm liền trước.

Phần khác, các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của Techcombank vẫn được duy trì. Cụ thể, theo ông Jens Lottner tin rằng, câu chuyện tăng trưởng của triển vọng vĩ mô trung và dài hạn vẫn được duy trì.  Quá trình đô thị hoá sẽ khiến nhu cầu nhà ở tăng lên và khoảng 60 -70% khách hàng của Techcombank đang muốn sở hữu bất động sản để tích lũy tài sản.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Jens Lottner cho biết, trong nửa đầu năm nhu cầu tín dụng SME không nhiều nhưng dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm. "Chúng tôi tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ có khởi sắc từ quý 2 hoặc nửa cuối năm trở đi", ông nói. 

Ngoài ra, vị này cũng tự tin khẳng định, ngân hàng đang ở điểm bùng nổ trong quá trình chuyển đổi. Việc này sẽ giúp Techcombank có được mục tiêu quan trọng nhất gồm tăng số dư CASA, tăng thu nhập từ phí thông qua mô hình kinh doanh, đa dạng hóa danh mục tín dụng.

Hiện tại, ngân hàng có khoảng 6 triệu khách hàng đã sử dụng ứng dụng Techcombank Mobile. Với hệ sinh thái của các đối tác, ngân hàng sẽ tập trung thu hút khách hàng qua kết nối API (giao dịch lập trình ứng dụng). Cách tiếp cận này cho phép Techcombank tiếp cận được nhiều khách hàng với quy mô lớn hơn ở mức chi phí tối ưu, so với phương pháp truyền thống.

Thêm vào đó, lãnh đạo Techcombank tin tưởng nói: “Khó khăn quý 1 đã qua đi. Ở nửa sau năm 2023, ngân hàng sẽ có đà tăng trưởng tốt hơn. Lợi nhuận mà Techcombank đặt ra năm nay là khá thận trọng, 22.000 tỷ đồng. Trên thực tế, 3 năm qua, chúng tôi đều đưa ra mục tiêu lợi nhuận thận trọng, nhưng kết quả đều cao hơn đáng kể so với kế hoạch ban đầu. Tôi cũng kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn từ nửa cuối năm, từ đó Techcombank cũng có điều kiện cải thiện các chỉ số tốt hơn”.

Trong năm 2023, ngân hàng tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức, lợi nhuận được giữ lại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Lợi nhuận sau thuế dùng để trích lập các quỹ năm 2022 của ngân hàng là gần 17.907 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tính đến ngày 1/1/2022 là hơn 40.136 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi trao đổi với cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank cho biết, có thể năm nay sẽ là năm cuối cùng trong chuỗi nhiều năm không chia cổ tức. “Nói như vậy không có nghĩa là diễn biến sắp tới là chắc chắn. Nhưng ít nhất việc cổ tức hay mọi thứ đều có thể đưa ra thảo luận thêm”, ông Hùng Anh nhấn mạnh.

ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank

Cũng tại đại hội, Techcombank dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Việc trích quỹ này nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ trích 1.791 tỷ cho quỹ dự phòng tài chính và 38 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi.

Mặt khác, ngân hàng dự kiến phát hành cổ phần theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2023. Cụ thể, Techcombank sẽ phát hành thêm gần 5.3 triệu cổ phiếu ESOP, tỷ lệ 0,1499%, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.

Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Techcombank được nâng từ 35.172 tỷ đồng lên 35.225 tỷ đồng. Thời gian phát hành sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, dự kiến trong năm 2023. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến được sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của Techcombank.

Có thể bạn quan tâm