Đi tìm mẫu số chung của các "cổ phiếu trà đá"

Điểm chung của các doanh nghiệp có thị giá cổ phiếu thấp, chỉ ngang mức giá của một cốc trà đá là kết quả kinh doanh thua lỗ hoặc có vi phạm trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu thuộc diện cảnh báo hay thậm chí bị kiểm soát...

Đi tìm mẫu số chung của các "cổ phiếu trà đá"

Đến cuối phiên giao dịch ngày 16/10/2024, chỉ số VN-Index chốt tại 1.279,48 điểm, dù vẫn chưa thể bứt phá qua mốc tâm lý quan trọng 1.300 điểm. Tuy nhiên, so với đầu năm, VN-Index đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng hơn 13%, tương đương với việc tăng thêm 148 điểm.

Dù thị trường chung thể hiện sức bật mạnh mẽ, nhưng thực tế không phải tất cả các cổ phiếu đều hòa nhịp với đà tăng này. Nhiều mã cổ phiếu đã trải qua giai đoạn sa sút nghiêm trọng, hoặc bị "kẹt" quanh vùng giá thấp kéo dài suốt cả năm, thậm chí rơi vào nhóm cổ phiếu có giá trị thấp, thường được ví như nhóm “trà đá” trên thị trường.

Cổ phiếu "trà đá" trên thị trường chứng khoán cũng như ly trà đá ngoài đời, có nhiều loại nhưng điểm chung là giá cực rẻ và phần lớn rơi vào tình trạng tắt thanh khoản. Để công bằng, hãy lấy mốc giá của một ly trà đá bình dân hiện nay, tạm tính vào khoảng 3.000 đồng.

So với mức giá này, trên cả hai sàn niêm yết HOSE và HNX hiện có gần 30 mã cổ phiếu có thị giá bằng hoặc thấp hơn. Trong đó, mã có giá rẻ nhất chỉ 1.200 đồng/cổ phiếu, và mã "đắt" nhất trong nhóm cũng chỉ đạt 3.000 đồng/cổ phiếu.

Đứng đầu danh sách các cổ phiếu "kém vui" này là cổ phiếu FID của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam, với thị giá chỉ đạt 1.200 đồng/cổ phiếu vào ngày 16/10, giảm đến 48% so với đầu năm.

Xếp sau là mã CTC của Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên, giữ nguyên thị giá 1.300 đồng/cổ phiếu kể từ đầu năm. Mã có giá cao nhất trong nhóm này là NRC của Tập đoàn Danh Khôi, cũng chỉ đạt 3.500 đồng/cổ phiếu.

Về mức giảm giá, AMV của Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ và TKG của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh là hai mã dẫn đầu, giảm lần lượt 77% và 76%, với thị giá hiện tại là 2.100 đồng và 2.400 đồng/cổ phiếu.

Một số mã khác cũng ghi nhận mức giảm sâu, như KPF của Công ty Cổ phần Đầu tư Tài sản Koji, giá 1.770 đồng/cổ phiếu, giảm gần 3 lần so với hồi đầu năm; mã ITA của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, giá 2.350 đồng/cổ phiếu, giảm 65%.

Giá cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền tảng doanh nghiệp, tiềm năng kinh doanh, triển vọng ngành hoặc đơn giản là cung cầu trên thị trường. Tuy nhiên, khi cổ phiếu có giá quá rẻ, thường sẽ đi kèm với những câu chuyện phức tạp hơn, hay nói cách khác, đó là dấu hiệu cho thấy nội tại của doanh nghiệp đang gặp vấn đề.

Đối với FID, cổ phiếu này đang phải đối mặt với "combo": Cảnh báo, kiểm soát và hạn chế giao dịch từ phía cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cũng không mấy khả quan khi liên tục báo lỗ. Đáng chú ý nhất là khoản lỗ hơn 4 tỷ đồng vào năm 2020. Mặc dù doanh thu năm 2023 tăng gấp 2,2 lần so với năm trước, đạt hơn 84 tỷ đồng, FID vẫn chịu lỗ ròng gần 3 tỷ đồng (trong khi năm 2022 chỉ lãi vỏn vẹn gần 64 triệu đồng).

Sang nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp tiếp tục báo lỗ ròng 2,5 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6/2024 lên hơn 23 tỷ đồng. Đáng chú ý, Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 của FID nhận về hàng loạt ý kiến kiểm toán ngoại trừ, chủ yếu liên quan đến các khoản trích lập dự phòng cho số tiền tạm ứng cá nhân – mà FID giải trình là “tạm ứng để xử lý công việc cho công ty” và các hợp đồng vay vốn với một số ngân hàng thương mại cổ phần.

ITA là một cái tên nổi bật với nhiều câu chuyện để bàn luận. Công ty của bà Đặng Thị Hoàng Yến (hay còn gọi là Maya Dangelas) đã bị chuyển sang diện đình chỉ giao dịch vào cuối tháng 9/2024, do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin.

Thực tế, kết quả kinh doanh gần đây của ITA không hề tệ. Sau năm 2022 thua lỗ kỷ lục với khoản lỗ lên đến 260 tỷ đồng, doanh nghiệp đã ghi nhận lãi ròng hơn 202 tỷ đồng trong năm 2023. Trong nửa đầu năm 2024, ITA tiếp tục báo lãi gần 64 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào việc hoàn nhập dự phòng các khoản nợ khó đòi, giảm chi phí lãi vay ngân hàng và tiết kiệm chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 2.

Dù vậy, cổ phiếu ITA vẫn rơi vào vùng giá thấp do những lùm xùm xung quanh doanh nghiệp. Đáng chú ý, năm 2022, ITA từng bị Tòa án nhân dân TP.HCM yêu cầu mở thủ tục phá sản liên quan đến khoản nợ khoảng 21 tỷ đồng với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh – một khoản nợ mà bà Yến khẳng định không hề tồn tại. Vụ kiện này đã kéo theo nhiều tranh chấp khác, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của công ty, theo giải trình trong báo cáo tài chính quý 2/2024 của ITA.

Bên cạnh đó, ITA còn thường xuyên gây chú ý với những phát ngôn "gây sốc". Điển hình là việc công ty chưa thể công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 và soát xét bán niên 2024, lãnh đạo của doanh nghiệp cho rằng HOSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gây khó khăn cho các công ty kiểm toán và đình chỉ hành nghề kiểm toán viên, khiến họ rút khỏi việc kiểm toán cho ITA. Trong khi đó, bà Yến khẳng định có thế lực xấu đứng sau phá hoại hòng thâu tóm công ty. Trước nguy cơ bị hủy niêm yết, ITA còn ra thông cáo khẳng định "Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE phải chịu trách nhiệm".

Một cái tên đáng chú ý khác là DDG của Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương - Indochine. Cổ phiếu DDG hiện đang trong diện cảnh báo và mới bị đưa vào diện kiểm soát do vi phạm trong việc công bố thông tin đối với báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024.

Thị giá của DDG vào phiên 16/10 chỉ còn 2.700 đồng/cổ phiếu, giảm 30% so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so với mức đỉnh của năm 2023 – trước khi trải qua chuỗi 19 phiên "sàn" liên tiếp, mức giảm lên tới 93%.

Nguyên nhân khiến DDG rơi vào tình trạng khó khăn hiện tại bắt nguồn từ những thách thức trong hoạt động kinh doanh. Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ kỷ lục gần 206 tỷ đồng, trong khi năm trước đó vẫn lãi 44 tỷ đồng. Sang nửa đầu năm 2024, doanh thu của DDG chỉ đạt hơn 120 tỷ đồng, tương đương khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù doanh nghiệp thu được lợi nhuận ròng khoảng 6,6 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 194 tỷ đồng), nhưng phần lớn lợi nhuận này không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu đến từ việc thanh lý tài sản cố định của công ty mẹ.

Những nhà đầu tư lạc quan thường an ủi rằng: "Mưa nào rồi cũng tạnh, chứng khoán giảm mãi rồi cũng sẽ tăng." Tuy nhiên, với những cổ đông của các doanh nghiệp đã nêu, có lẽ cơn mưa này vẫn còn kéo dài và chưa thấy dấu hiệu chấm dứt. Những khó khăn nội tại cùng các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh đang khiến họ đối mặt với một tương lai mịt mờ, và sự phục hồi của các cổ phiếu này vẫn là một dấu hỏi lớn.

Xem thêm

Tránh tâm lý mua đuổi hay bán tháo trong các đợt rung lắc

Tránh tâm lý mua đuổi hay bán tháo trong các đợt rung lắc

Thị trường có khả năng sẽ tiếp tục đi ngang biên độ hẹp với mức hỗ trợ ngắn hạn 1.278 điểm, 1.268 điểm. Nhà đầu tư thận trọng quan sát quá trình cân bằng này, đồng thời tránh tâm lý mua đuổi hay bán tháo trong các đợt rung lắc...

Phố Wall đỏ lửa, giá dầu lao dốc 4%

Phố Wall đỏ lửa, giá dầu lao dốc 4%

Các chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt giảm điểm vào thứ Ba. Trong đó, Nasdaq thiên về công nghệ có mức giảm lớn nhất do cổ phiếu ngành chip suy yếu trước lo ngại về nhu cầu. Lĩnh vực năng lượng mất 3% khi giá dầu trượt dốc…

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP. HCM)

Cổ phiếu ngành cảng biển “sáng cửa” nửa cuối năm

Yuanta Việt Nam cho rằng cổ phiếu SGP sẽ được hưởng lợi từ sự hồi phục của hoạt động xuất nhập khẩu. Trong khi đó, hai bến số 3 – 4 cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động sẽ là động lực tăng trưởng cho cổ phiếu PHP...

Giữ cổ phiếu trong danh mục trung hạn và chốt lời ngắn hạn nếu cần

Giữ cổ phiếu trong danh mục trung hạn và chốt lời ngắn hạn nếu cần

VN-Index đang tiệm cận vùng 1.300 điểm. Khối lượng giao dịch tích lũy quanh đỉnh có thể tạo áp lực bán mạnh và thị trường cần những phiên giao dịch với khối lượng đột biến để hỗ trợ chỉ số bứt phá. Nhà đầu tư có thể tiếp tục giữ cổ phiếu trong danh mục trung hạn và chốt lời ngắn hạn nếu cần...

Có thể bạn quan tâm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...

“Cá mập” Pyn Elite Fund trở thành cổ đông lớn của Haxaco

“Cá mập” Pyn Elite Fund trở thành cổ đông lớn của Haxaco

Pyn Elite Fund đã nâng sở hữu tại Haxaco từ 5,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,8% vốn) lên thành 6,1 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,7% vốn) qua đó trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp phân phối Mercedes-Benz chính hãng đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam...