Đằng sau khoản lãi đột biến của nhiều doanh nghiệp niêm yết trong quý 3/2024

Nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng đáng kể trong quý 3/2024. Tuy nhiên, phần lớn con số này không xuất phát từ hoạt động kinh doanh chính mà đến từ các nguồn thu nhập khác…

bao-cao-tai-chinh-la-gi-1862.jpeg

Mùa báo cáo tài chính quý 3/2024 đang bước vào giai đoạn sôi động khi nhiều doanh nghiệp niêm yết lần lượt công bố lợi nhuận khủng. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng đó, phần lớn không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà từ các khoản thu nhập khác, như thanh lý tài sản, chuyển nhượng công ty con...

VẠN PHÁT HƯNG LÃI KỶ LỤC NHỜ CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN

Theo báo cáo tài chính quý 3/2024 mới công bố, Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng (mã chứng khoán: VPH) gây bất ngờ với khoản lãi sau thuế 183,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 19,6 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, khoản lãi đột biến của Vạn Phát Hưng chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động tài chính. Cụ thể, trong quý vừa qua, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh gấp 6,6 lần so với cùng kỳ, lên mức 18,3 tỷ đồng.

Khác với tình trạng kinh doanh dưới giá vốn trong quý 3/2023, doanh nghiệp đã chuyển mình tích cực khi đạt lợi nhuận gộp 6,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận mức lỗ 0,18 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu tài chính của Vạn Phát Hưng cao đột biến lên 355,7 tỷ, gấp gần 47,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gần 349 tỷ đồng là lãi từ chuyển nhượng cổ phần.

Vạn Phát Hưng cho biết, trong quý 3 vừa qua, công ty đã hoàn thành các thủ tục pháp lý chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư Nhơn Đức Nhà Bè rộng 16,7ha. Qua đó, công ty đã thực hiện chuyển nhượng 99% cổ phần tại công ty con là Công ty Cổ phần Bất động sản Nhà Bè cho đối tác.

Khoản doanh thu tài chính đột biến trong quý 3/2024 giúp Vạn Phát Hưng báo lãi sau thuế 183,3 tỷ đồng, mức lãi cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn chứng khoán.

trang-chu-3-01-7661-8899.jpeg
Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng (mã chứng khoán: VPH)

Lũy kế 9 tháng năm 2024, Vạn Phát Hưng thu về 33,9 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 26,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng mạnh lên mức 145,1 tỷ đồng, “lội ngược dòng” ngoạn mục so với cùng kỳ năm trước khi ghi nhận mức lỗ 18,4 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Vạn Phát Hưng đạt 2.138 tỷ đồng, giảm 9,6% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 362 tỷ đồng, gấp 17,5 lần đầu năm.

Chuyển nhượng dự án thành công đưa giá trị hàng tồn kho của Vạn Phát Hưng giảm từ 1.071 tỷ đồng xuống còn 207,6 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng số nợ phải trả là 983,1 tỷ đồng, giảm 27% so với số đầu năm. Trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 981,9 tỷ đồng, còn lại 1,1 tỷ đồng là nợ dài hạn.

BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ THÚC ĐẨY LÃI RÒNG CỦA THUỶ ĐIỆN SÊ SAN 4A TĂNG MẠNH

Không đến từ việc chuyển nhượng hay thanh lý tài sản, Công ty Cổ phần Thuỷ điện Sê San 4A (mã chứng khoán: S4A) ghi nhận lãi sau thuế quý 3/2024 tăng 24% nhờ biến động tỷ giá.

Theo đó, trong kỳ kinh doanh vừa qua, Thuỷ điện Sê San 4A mang về 86,9 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ giá vốn, lãi gộp của doanh nghiệp đạt 57 tỷ đồng, tương ứng tăng 8,5%.

Điểm nổi bật trong bức tranh kinh doanh quý 3 của Thuỷ điện Sê San 4A đến từ doanh thu từ hoạt động tài chính bất ngờ tăng mạnh gấp gần 20 lần, lên tới 3,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt 192,1 triệu đồng.

Xét về cơ cấu, lãi chênh lệch tỷ giá chiếm tới 3,2 tỷ đồng, trong khi quý 3/2023 không ghi nhận khoản mục này. Bên cạnh đó, lãi tiền gửi cũng gấp hơn 3 lần cùng kỳ, lên mức 582,8 tỷ đồng. Sự bứt phá này trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy lợi nhuận của công ty trong kỳ kinh doanh vừa qua.

Đồng thời, chi phí tài chính cũng giảm hơn một nửa, chỉ còn 3,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chi phí khác trong hoạt động kinh doanh của Thuỷ điện Sê San 4A không có sự biến động lớn.

Kết quả, doanh nghiệp thuỷ điện này báo lãi sau thuế quý 3/2024 đạt 50 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.

Mặc dù kết quả kinh doanh quý 3/2024 khởi sắc, nhưng bức tranh tài chính của Thuỷ điện Sê San 4A trong 9 tháng đầu năm 2024 vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Trong đó, tổng doanh thu thuần chỉ đạt 169,3 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận ròng giảm sâu 24,7%, còn 60,9 tỷ đồng.

thuy-dien-se-san41jpg-451.jpg
Kết quả kinh doanh nhóm thuỷ điện được dự báo tăng trưởng tốt nhờ La Nina

Trong báo cáo triển vọng ngành điện mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, sản lượng các công ty thủy điện sẽ cải thiện từ nửa cuối năm 2024, và kết quả kinh doanh các công ty thủy điện sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2025 so với 2024 nhờ chu kỳ chuyển pha La Nina đang diễn ra từ tháng 9/2024.

Sang năm 2025, sản lượng của các công ty thủy điện sẽ tăng trưởng tốt nhờ chu kỳ thủy văn thuận lợi. Theo quan sát của VDSC, sản lượng thương phẩm của các công ty thủy điện trong chu kỳ La Nina cao hơn chu kỳ El Nino khoảng 10 - 20%, do chi phí sản xuất thấp hơn các loại hình phát điện khác.

Cụ thể, chi phí sản xuất của các công ty thủy điện và giá bán điện của các công ty thủy điện là thấp nhất trong các nguồn điện: chi phí sản xuất điện/kWh các công ty thủy điện đa phần nằm ở mức 400 – 600 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 1.100 – 1.300 đồng/kWh của các công ty nhiệt điện than.

CAO SU TÂY NINH THU LỢI NHUẬN LỚN TỪ THANH LÝ CÂY

Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh (mã chứng khoán: TRC) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 với những con số vượt trội so với cùng kỳ nhờ thanh lý cây cao su.

Cụ thể, trong quý vừa qua, Cao su Tây Ninh đạt 220,7 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 28% so với cùng kỳ nhờ giá bán mủ cao su tăng. Nhờ giá vốn hàng bán chỉ tăng nhẹ 1%, lên 151 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp gấp 3,3 lần cùng kỳ, đạt 69,4 tỷ đồng.

Trong quý 3/2024, doanh thu tài chính đạt 3,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với 609,1 triệu đồng cùng kỳ, chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá và lãi tiền gửi. Trong khi đó, chi phí tài chính được tiết giảm 35,6%, xuống mức 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp không có nhiều biến động so với cùng kỳ, lần lượt ở mức 2,6 tỷ đồng và 10,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công ty có khoản thu nhập khác 31,8 tỷ đồng nhờ bán thanh lý cây cao su. Sau khi trừ đi chi phí, Cao su Tây Ninh ghi nhận lợi nhuận sau thuế 73,1 tỷ đồng, tăng gấp 5,8 lần so với cùng kỳ.

hoang-cong-hung-02-cong-nhan-va-rung-cay-7381.jpg
Cao su Tây Ninh lãi gấp 5,8 lần cùng kỳ nhờ giá cao su tăng mạnh

Lý giải cho kết quả kinh doanh tăng đột biến, Cao su Tây Ninh cho biết giá bán mủ cao su trong quý 3/2024 tăng mạnh là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, khoản thu nhập từ việc thanh lý cây cao su cũng góp phần khiến lợi nhuận của công ty cao hơn kỳ trước.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Cao su Tây Ninh ghi nhận 456,7 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 31,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lãi sau thuế tăng mạnh gấp 5 lần, đạt 101,3 tỷ đồng.

Năm 2024, Cao su Tây Ninh đặt mục tiêu kinh doanh với tổng doanh thu tối thiểu 401 tỷ đồng và lãi sau thuế 71 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty đã vượt 13,9% mục tiêu doanh thu và vượt 42,7% mục tiêu lợi nhuận năm đặt ra sau ba quý.

Ghi nhận tại thời điểm cuối quý 3/2024, tổng tài sản của Cao su Tây Ninh đạt 2.084 tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp đôi so với đầu năm, chiếm 203,4 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chỉ chiếm 369,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ ngắn hạn tăng 59,4 so với đầu kỳ, chiếm 282 tỷ đồng, phần gia tăng chủ yếu đến từ tiền người mua trả trước ngắn hạn. Bên cạnh đó, nợ dài hạn chiếm 87,1 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính đến hết quý 3/2024 đạt 1.715 tỷ đồng, tăng 4% so với số đầu năm.

PHÁT ĐẠT THOÁT LỖ NHỜ CHUYỂN NHƯỢNG CÔNG TY CON

Việc thanh lý tài sản, bán công ty con tiếp tục được nhiều doanh nghiệp triển khai trong quý vừa qua để hỗ trợ dòng tiền kinh doanh. Trong quý 2 vừa qua, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2,6 tỷ đồng, giảm 99,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp theo đó cũng giảm 99,6%, xuống còn 1,3 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính của Phát Đạt khá khiêm tốn, nhưng trong quý vừa qua, doanh thu tài chính của công ty đã tăng đột biến, lên mức 194 tỷ đồng so với 550,5 triệu đồng của quý 3/2023, phần lớn nhờ vào lãi từ việc chuyển nhượng cổ phần tại các công ty liên kết.

Cuối tháng 6 vừa qua, Phát Đạt đã thông báo chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 111,7 triệu cổ phần tại BIDICI, tương đương 49% vốn điều lệ, với giá chuyển nhượng công ty không thấp hơn 130% mệnh giá, ước tính khoảng 1.452 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, Phát Đạt đã chuyển nhượng 25% cổ phần tại BIDICI cho ông Nguyễn Trà Giang, với giá trị 769,5 tỷ đồng, vào ngày 24/6/2024, và chuyển nhượng 24% cổ phần còn lại cho ông Phạm Thanh Điền, với giá trị 738,7 tỷ đồng vào tháng 9/2024. Như vậy, tổng giá trị chuyển nhượng 49% BIDICI là hơn 1.508 tỷ đồng.

Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh thu tài chính, Phát Đạt đã tránh được khoản lỗ và ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 51,2 tỷ đồng trong quý 3/2024, dù vẫn giảm 49,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giải trình của Phát Đạt, lợi nhuận quý 3 giảm mạnh do tình hình kinh tế nhìn chung vẫn còn khó khăn, trong đó có ngành bất động sản, vì vậy việc đầu tư và phát triển các dự án bất động sản của công ty chưa được thuận lợi.

Tính chung 9 tháng năm 2024, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần đạt 173 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 153,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 68,5% và 61,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong năm 2024, Phát Đạt lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 2.982 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 880 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 9 tháng, công ty mới chỉ hoàn thành được 5,8% chỉ tiêu doanh thu và 17,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

phatdat-1711003429461-1711003429780864310438-6269.png
Phát Đạt đã chuyển nhượng toàn bộ 49% vốn tại BIDICI

Có thể thấy, những khoản thu nhập từ thanh lý tài sản, chuyển nhượng cổ phần hay lãi chênh lệch tỷ giá đã đóng góp không nhỏ vào việc ghi nhận lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những nguồn thu này thường mang tính chất tạm thời và không bền vững, chỉ như những giải pháp “cứu cánh” trong thời điểm kinh doanh khó khăn.

Do đó, để duy trì sự tăng trưởng bền vững và ổn định trong thời gian dài, doanh nghiệp cần tập trung vào việc tối ưu hóa hiệu quả từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Chỉ khi doanh thu từ các hoạt động chủ chốt đạt được sự ổn định và phát triển, doanh nghiệp mới có thể xây dựng nền tảng vững chắc và tránh phụ thuộc vào những yếu tố ngắn hạn.

Xem thêm

Nhiều doanh nghiệp niêm yết hé lộ kết quả kinh doanh quý 3/2024

Nhiều doanh nghiệp niêm yết hé lộ kết quả kinh doanh quý 3/2024

Nhiều chuyên gia cho rằng, lợi nhuận quý 3/2024 của các doanh nghiệp được dự báo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. Từ đó, dòng tiền trên thị trường chứng khoán có thể tìm đến những nhóm ngành, cổ phiếu kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng hoặc có câu chuyện đầu tư riêng…

Có thể bạn quan tâm