Theo đánh giá của VEPR, CPI bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 tăng 5,56%. Sau khi tăng mạnh kể từ quý 3/2019, giá cả tiêu dùng bắt đầu giảm từ tháng 2/2020.
Với thực trạng nền kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng hàng hóa của người dân giảm, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng hóa cũng giảm, lạm phát bình quân của quý II/2020 có khả năng sẽ thấp hơn quý I.
NHNN cũng đồng loạt hạ các loại lãi suất điều hành từ 0,25 – 1 điểm phần trăm. Trong quý 1/2020, cung tiền M2 tăng 1,55%; huy động tăng 0,51%; tín dụng tăng 0,68%, thấp nhất trong vòng 3 năm. Năm 2020, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 9-14% (với khoảng 900.000 tỷ đồng). Đây là mục tiêu khá tham vọng trong bối cảnh kinh tế suy giảm.
VEPR cũng cho rằng, hiện nay, theo ước tính thì có 2 triệu tỷ đồng vay nợ có nguy cơ rơi vào nợ xấu và cũng là nguy cơ kéo lùi những thành quả cải thiện sức khỏe hệ thống ngân hàng trong những năm qua.
Theo PGS. TS Phạm Thế Anh cho rằng ngành ngân hàng sẽ có tăng trưởng tín dụng khá nhưng chất lượng tăng trưởng lại là vấn đề khác. Đồng thời, tín dụng ra nền kinh tế trong năm nay chủ yếu dưới dạng hỗ trợ doanh nghiệp, người mất việc, hộ gia đình dừng sản xuất. Do đó, tín dụng được thực hiện qua NHCSXH sẽ lớn hơn nguồn tín dụng qua các ngân hàng thương mại.
Cũng bày tỏ nhiều lo ngại với hệ thống ngân hàng trước tác động của dịch bệnh, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ngành ngân hàng đã có một năm 2019 với nhiều thành công khi lợi nhuận cao, chuẩn bị bước vào giai đoạn mới thực hiện Basel II. "Nhưng rất tiếc là dịch bệnh ập đến và những gì đã làm trong năm 2019 sẽ bị ảnh hưởng mạnh", vị chuyên gia nhận định.
Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nếu đến cuối tháng 6, dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát được, thanh khoản ngân hàng sẽ là một vấn đề đáng lo ngại dù hiện tại mọi thứ vẫn tốt do tiền gửi có thể chậm đi rất nhiều khi người lao động rút tiền để chi trả cho cuộc sống. Bên cạnh đó, nợ xấu có nguy cơ tăng cao khi nhiều người đi vay không chỉ vay ngân hàng mà còn các công ty tài chính đang ở tình trạng khó trả nợ.
Trước đó ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP.Hà Nội nhận định, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 6, ước tính sẽ có khoảng 30-35% doanh nghiệp buộc phải phá sản.
Chiến lược trong năm 2020, Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp sẽ bị kéo lùi. Hệ quả của nó đó là những tổn thất vô cùng nặng nề đối với nền kinh tế”, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội nhận định về tác động của đại dịch đến sức khoẻ của các doanh nghiệp.
Lý do khiến ông Quốc Anh bi quan về số lượng doanh nghiệp có thể trụ được qua dịch bệnh là do hiện Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp nhưng 98% trong số đó là quy mô nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp rất hạn chế về vốn, trình độ quản trị, thị trường và bạn hàng.
Vì vậy, khi nền kinh tế gặp khó khăn, ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp rất thấp. Phần lớn doanh nghiệp đều đang cạn dần nguồn tiền do hoạt động kinh doanh bị ngừng trệ từ đầu năm.