Dịch vụ chuyển phát của Vietnam Post bị gián đoạn vì mã độc tống tiền

Tất cả các dịch vụ liên quan tới bưu chính chuyển phát của Vietnam Post đều đang bị gián đoạn…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Dịch vụ chuyển phát của Vietnam Post bị gián đoạn vì mã độc tống tiền

Mới đây, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Vietnam Post thông báo về việc hệ thống công nghệ thông tin của công ty này bị tấn công ransomware hay còn gọi là mã độc tống tiền.

Được biết, ransomware là một phần mềm độc hại được lập ra nhằm xâm nhập vào hệ thống máy tính và mã hóa dữ liệu của người dùng. Sau khi dữ liệu bị mã hóa, người dùng phải trả một khoản tiền chuộc để nhận được khóa giải mã và có thể khôi phục dữ liệu.

Bưu điện Việt Nam cho hay, sự cố xảy ra vào lúc 3h sáng 4/6. Sau vụ tấn công, website của công ty này nằm trong tình trạng không thể truy cập, nhiều người dùng cũng không vào được ứng dụng trên điện thoại.

Tất cả các dịch vụ liên quan đến bưu chính chuyển phát như bưu điện, bưu kiện, EMS bị ảnh hưởng và không thể thực hiện giao dịch trực tuyến. Còn lại, các dịch vụ tài chính bưu chính, hành chính công và phân phối hàng hóa của Bưu điện Việt Nam vẫn hoạt động bình thường.

1-6694.jpg

Hiện, Vietnam Post đã ngắt kết nối hệ thống công nghệ thông tin để cô lập sự cố và bảo vệ dữ liệu, đây là lý do khiến cho website chứa “vnpost.vn” trong tên miền và ứng dụng trên điện thoại bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, Vietnam Post đang phối hợp với Cục An toàn thông tin A05 để khẩn trương khắc phục sự cố và sớm đưa các dịch vụ trở lại bình thường. Bưu điện Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo với khách hàng sử dụng dịch vụ gồm, cẩn thận khi truy cập các trang web, ứng dụng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu cho bất kỳ ai; cập nhật phần mềm, ứng dụng thường xuyên; sử dụng phần mềm diệt virus uy tín.

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là một công ty lớn tiếp theo là nạn nhân của mã độc tống tiền. Trước đó, vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2024, tin tặc đã tấn công vào hệ thống của chứng khoán VnDirect và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Trong hai vụ trên, cơ quan an ninh mạng cho hay, tin tặc đã xâm nhập và nằm vùng hệ thống trong một thời gian dài, tìm kiếm những dữ liệu quan trọng, sau đó tiến hành mã hóa và yêu cầu trả tiền chuộc để mở khóa.

Các sự cố liên quan tới an ninh mạng liên tiếp xảy ra là một lời cảnh báo về tình trạng tấn công an ninh mạng ngày càng tăng. Thông tin từ báo cáo về nguy cơ mất an toàn thông tin tại Việt Nam của Viettel Cyber Security, trong quý 1/2024, số vụ tấn công ransomware vào hạ tầng doanh nghiệp tại Việt Nam đã tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chuyên gia an ninh mạng đưa ra khuyến nghị, các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật phần mềm và bổ sung các biện pháp bảo mật để hạn chế nguy cơ bị tấn công, gây thất thoát dữ liệu, gián đoạn dịch vụ và ảnh hưởng tới uy tín của các công ty.

Có thể bạn quan tâm