Việt Nam lọt top 25 về chỉ số xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu

Sáng 26/3, vấn đề an toàn an ninh mạng đã được đem ra bàn luận trong cuộc gặp mặt và đối thoại với thanh niên nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Việt Nam lọt top 25 nước dẫn đầu về chỉ số xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu
Việt Nam lọt top 25 nước dẫn đầu về chỉ số xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, từ năm 2017, Việt Nam đã có những thay đổi và bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng.

Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã xếp chúng ta vào 25 nước dẫn đầu trong số 193 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới về chỉ số xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu.

Theo ông Dũng, 3 lực lượng chủ chốt để đảm bảo an toàn an ninh mạng là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.

Về giải pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng, Thứ trưởng chia sẻ, đối với người dân, phải bảo vệ từ sớm, từ xa, từ lớp mạng. Tức trách nhiệm ở đây là của nhà mạng và các đơn vị cung cấp viễn thông, internet phải có trách nhiệm bảo vệ cơ bản cho người dùng.

Tiếp đó là bảo vệ thiết bị đầu cuối ở thiết bị. Trên mỗi thiết bị như máy tính, ipad, điện thoại sẽ có những công cụ bảo vệ trực tiếp cho thiết bị, gọi là bảo vệ lớp 2, lớp cơ bản.

Cũng liên quan đến an ninh mạng, sáng ngày 24/3, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect đã bị hacker quốc tế tấn công lúc 10 giờ tại DC Fornix Duy Tân. Hệ thống bị tấn công hạ tầng ảo hóa dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch của công ty tạm thời không đăng nhập được.

Ngày 25/3, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã thông báo về việc tạm thời ngắt kết nối giao dịch từ xa và giao dịch trực tuyến trên các thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết, giao dịch chứng khoán đăng ký giao dịch, giao dịch chứng khoán phái sinh, giao dịch công cụ nợ và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của VNDirect từ ngày 25/3 cho đến khi khắc phục được hoàn toàn sự cố.

Cùng với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn cảnh báo bảo mật hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến.

Theo đó, nhằm đảm bảo sự hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt của thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu công ty đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dự phòng hoạt động an toàn và liên tục theo quy định tại khoản 10 điều 89 luật Chứng khoán 2019.

Bên cạnh đó, chủ động rà soát, kiểm tra ngay các phương án bảo mật cho hệ thống công nghệ thông tin của công ty, đặc biệt là hệ thống giao dịch chứng khoán và các hệ thống có kết nối mạng internet để kịp thời khắc phục các lỗ hổng bảo mật (nếu có).

Thực hiện kiểm tra các quy trình giao dịch trực tuyến; quy trình kiểm soát rủi ro; quy trình sao lưu dự phòng hệ thống, dữ liệu; quy trình quản trị vận hành các hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng các biện pháp ứng phó và khắc phục các rủi ro về bảo mật tiềm ẩn.

"Trong trường hợp công ty phát hiện các dấu hiệu mất an toàn bảo mật phải chủ động, tập trung nguồn lực để xử lý, khắc phục; kịp thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; các sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (đối với công ty chứng khoán thành viên) và các cơ quan chức năng để phối hợp chỉ đạo, xử lý", công văn nêu rõ.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng yêu cầu công ty nghiêm túc, khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả rà soát, kiểm tra, phương án khắc phục (nếu có) cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị có liên quan trước ngày 1/4.

Ngày 26/3, VNDirect thông báo cho biết, đội ngũ công nghệ đã có được mã khóa để khôi phục nhưng do hệ thống dữ liệu quá lớn nên tốc độ phục hồi chậm hơn so với dự kiến.

Có thể bạn quan tâm