Xuất khẩu "sáng" ngay từ đầu năm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê tại thông cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2021 ước đạt 34,5 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng trước. Trong quý IV/2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 95,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 16,4% so với quý III/2021 (tăng 19,5% so với quý II/2021 và tăng 21,9% so với quý I/2021). Tính chung năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%. Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%).
Nhìn vào những con số thống kê trên có thể thấy mặc dù năm 2021 khép lại trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta gặp muôn vàn khó khăn, đối diện hàng loạt bất lợi do đại dịch COVID-19 gây ra nhưng xuất khẩu hàng hóa lại trở thành điểm sáng, là động lực để duy trì tăng trưởng kinh tế. Đưa ra nhận xét về điểm sáng xuất khẩu của năm 2021, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài Chính vui mừng cho rằng: phải khẳng định rằng xuất khẩu hàng hóa của nước ta “sáng” từ đầu năm, tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm chứ không phải chỉ tăng mạnh ở 3 tháng của quý IV. Mặc dù bị tác động mạnh bởi dịch song tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao và có thặng dư.
Theo PGS – TS Đinh Trọng Thịnh, có được những quả ngọt đó điều đầu tiên chúng ta phải nhắc đến là những chính sách mở, thích ứng nhanh với tình hình mới của Chính phủ và các bộ, ngành. Kế tiếp là những đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp của khu vực này vẫn như những năm trước chiếm phần lớn giá trị xuất khẩu hàng hóa của nước ta. Một nguyên nhân rất quan trọng không thể không nhắc đến là năm 2021, Mỹ không đưa Việt Nam vào nhóm các nước thao túng tiền tệ, đặc biệt là nước này không hạn chế nhập khẩu các mặt hàng từ Việt Nam. PGS – TS Thịnh cho rằng điều này rất quan trọng, bởi thị trường Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Chính những chính sách ưu ái của Mỹ đã giúp hàng hóa của chúng ta vào thị trường nước này dễ dàng hơn.
Vẫn theo PGS – TS Đinh Trọng Thịnh, việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA); Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã giúp thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục được mở rộng và đa dạng hóa. Điều này đem đến sự cân bằng và tự chủ tốt hơn cho hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh chuỗi sản xuất và cung ứng trong nước và thế giới bị đứt gãy. Cũng nhờ việc tham gia các FTA nên các doanh nghiệp trong nước ngày càng biết khai thác, tận dụng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Đồng quan điểm với PGS – TS Thịnh, một chuyên gia về xuất khẩu phân tích cụ thể hơn: Qua 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 1 năm thực hiện EVFTA cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã có tăng trưởng rất mạnh. Trong đó, với CPTPP, xuất khẩu sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng là từ 25-30%... Với thị trường EU, trước đây Việt Nam đã được hưởng quy chế của GSP (ưu đãi thuế quan phổ cập), nhưng Hiệp định EVFTA đã mở rộng và hàng hóa có thể được hưởng ưu đãi mang tính chất bền vững. Đáng chú ý, GSP là cơ chế đơn phương và nó sẽ bị rút lại theo thời gian khi nền kinh tế phát triển hơn, nhưng EVFTA là cam kết song phương và các ưu đãi đó có giá trị tồn tại lâu dài, hai bên cùng thực hiện. Do đó, giá trị của Hiệp định EVFTA rất lớn và rõ rệt nhất là với tỷ lệ tận dụng ưu đãi thông qua việc cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR-1 hiện nay lên đến xấp xỉ 20%. Ngoài ra, nhiều mặt hàng hiện nay có thuế suất rất thấp nên các doanh nghiệp có thể không cần xin C/O mẫu EUR1 nhưng vẫn đang hưởng lợi rất lớn từ Hiệp định này. Bên cạnh đó, các lô hàng có thị giá thấp dưới 6.000 euro thì doanh nghiệp được phép tự chứng nhận xuất xứ, đây cũng là một thuận lợi lớn các doanh nghiệp không phải mất thời gian và thủ tục để xin cấp C/O.
Thông tin chúng tôi nắm được mới đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xác nhận, phần lớn doanh nghiệp trong tập đoàn đã đầy đơn hàng Quý I/2022, có doanh nghiệp đã ký đủ đơn hàng hết Quý II/2022. Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu khác nhưu giày dép, điện tử, sắt thép... cũng xác nhận lượng đơn hàng xuất khẩu cho Quý I/2022 đã được ký kết. Điều quan trọng là tổ chức sản xuất hợp lý trong điều kiện dịch bệnh để đảm bảo lực lượng và giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất.
Năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt
Do tác động của đại dịch COVID-19, xuất khẩu hàng hóa năm 2022 của chúng ta được dự báo còn nhiều diễn biến khó lường. Song, PGS – TS Đinh TrọngThịnh vẫn lạc quan cho rằng nếu cứ tiếp tục đà tăng xuất khẩu như hiện nay, đặc biệt là thời điểm 3 tháng quý IV của năm 2021 chúng ta vẫn hy vọng xuất khẩu hàng hóa năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.
Để chứng minh cho nhận định của mình, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: thị trường xuất khẩu năm 2021 tăng trưởng đều là những thị trường lớn, là những thị trường chúng ta đã quen biết từ trước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh và các nước trong khối EU. Bên cạnh đó, việc chúng ta tham gia vào rất nhiều các FTA có lợi thế rất lớn. Các FTA đã qua giai đoạn thực thi ban đầu, chuyển sang giai đoạn doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu. Ví dụ như RCEP vừa mới có hiệu lực, nếu trước đây hoạt động xuất, nhập khẩu của chúng ta với các nước thành viên chưa được hưởng ưu đãi về thuế quan. Nhưng bây giờ, khi Hiệp định đã có hiệu lực hàng rào thuế quan được dỡ bỏ đã tạo điều kiện rất tốt cho các doanh nghiệp. Đây là một trong những điều rất quan trọng, có thể là một trong những nguyên nhân giúp xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong năm 2022 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn năm 2021 nói riêng và những năm trước đó nói chung.
Việc chúng ta mở cửa trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh cũng là một tín hiệu đáng mừng. Nếu như năm 2021 còn tồn tại hàng loạt vấn đề như khắp cả nước là cảnh ngăn sông cấm chợ, mỗi địa phương một cơ chế riêng, chính sách riêng khiến chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển tăng cao đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc xuất khẩu hàng hóa. Năm 2022, những khó khăn nói trên sẽ không còn tồn tại, bên cạnh đó là kết quả tích cực từ hàng loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, từ đó xuất khẩu hàng hóa cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo thống kê năm 2021, toàn bộ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực từ điẹn tử, máy tính, dệt may, giày dép, phù tùng, sắt thép,... đều lập kỷ lục về cán đích với mức tăng trưởng dương. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nhiều tháng trong quý III/2021 bị đứt gãy sản xuất thì đó là kết quả hết sức ấn tượng. Trong đó, xuất khẩu điện thoại, linh kiện mang về gần 58 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020; điện tử, máy tính, linh kiện 51 tỷ USD phụ tăng 14,4%; điện tử máy móc thiết bị phụ tùng khác 38,4 tỷ USD tăng 41%, giày dép gần 18 tỷ USD, tăng 4,6%...
Những khuyến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành
Mặc dù xuất khẩu hàng hóa năm 2021 đã đạt được những kết quả rất tích cực, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, chất lượng và hiệu quả phát triển thị trường xuất, nhập khẩu của chúng ta vẫn còn thấp và ít được cải thiện so với năm trước. Việt Nam còn bị động trong ứng phó với những diễn biến bất lợi của thị trường quốc tế và mức độ phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường xuất, nhập khẩu cũng đã khiến cho tăng trưởng xuất, nhập khẩu của Việt Nam chưa như mong muốn. Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất, nhập khẩu diễn biến còn chậm, thiếu đột phá. Hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn phụ thuộc lớn vào một số thị trường chủ yếu, việc phát triển thị trường mới còn hạn chế. Hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Năm 2021, chúng ta cũng chưa phát huy được vai trò kết nối thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, mặc dù các doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội từ các FTA, tuy nhiên, mức độ khai thác cơ hội cho phát triển xuất, nhập khẩu, chuyển dịch cơ cấu thị trường và mặt hàng xuất, nhập khẩu chưa đạt hiệu quả cao.
Xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào GDP của thế giới. Theo một nghiên cứu nếu GDP thế giới tăng 1% thì xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 5%. Tuy nhiên, do xuất khẩu của Việt Nam chỉ tập trung ở một số thị trường nên hệ số này có thể lệch đi một ít. Do vậy, nếu GDP các nền kinh tế lớn tăng trưởng trung bình 4% trong năm 2022 thì xuất khẩu của Việt Nam cũng có thể dễ dàng đạt được khoảng 16-20%.
Do vậy, để tạo bước đột phá trong xuất khẩu hàng hóa cho năm 2022 và những năm tiếp theo ông Thịnh kiến nghị: Để thích ứng trước diễn biến căng thẳng của đại dịch COVID-19, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương khẩn trương hoàn thành tiêm vắc xin cho toàn dân trong độ tuổi tiêm chủng để sớm đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng. Chúng ta cần đặc biệt ưu tiên cho hệ thống y tế, phải số hóa, ứng dụng những công nghệ thông minh trong hệ thống y tế để phòng, chống dịch. Đối với doanh nghiệp phải giúp đỡ họ bằng việc giúp họ mua được những thiết bị y tế phòng, chống dịch chính hãng với giá thành hợp lý, chứ đừng bóp chẹt doanh nghiệp bằng những thiết bị kém chất lượng mà giá lại cao ngất ngưởng. Tất cả phải đồng lòng chống dịch. Chỉ có phòng, chống được dịch bệnh sản xuất kinh doanh mới hoạt động, kinh tế mới phát triển được. Mà kinh tế phát triển thì xuất khẩu mới tăng được!.
Các bộ, ngành giúp đỡ các doanh nghiệp bằng cách đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước. Thông tin chi tiết về các thị trường để giúp các doanh nghiệp giảm bớt thời gian tìm kiếm. Song song đó, phải có phương án tổ chức sản xuất rõ ràng để giúp các doanh nghiệp ổn định hoạt động. Nếu doanh nghiệp không sản xuất là doanh nghiệp chết, khi đó doanh nghiệp lấy đâu ra sản phẩm mà thực hiện hợp đồng xuất khẩu. Ta lấy ví dụ như mặt hàng thủy sản ở phía Nam từ đợt dịch vừa rồi. Rõ ràng các doanh nghiệp họ có sản phẩm đấy, nhưng họ không làm được gì vì thực hiện chống dịch, sản xuất 3 tại chỗ, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.
Bên cạnh những ý kiến góp ý của PGS – TS Thịnh, nhiều chuyên gia khác cho rằng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian qua chi phí cho vận tải của các doanh nghiệp xuất khẩu phải bỏ ra quá cao. Do đó nhà nước cần hỗ trợ họ bằng cách thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước, chú trọng công tác đảm bảo tiến độ lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, cửa khẩu biên giới. Đối với các FTA, cần chú trọng công tác triển khai thực hiện, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP. Mục tiêu là không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết của các Hiệp định mà còn vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của các Hiệp định đó, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những Hiệp định này. Đặc biệt, nhà nước phải tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia... để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.