Diễn đàn kinh tế vùng Đông Nam Bộ: Sẽ mời Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo

Một trong những giải pháp được đề xuất tại Diễn đàn kinh tế vùng Đông Nam Bộ 2017 là thành lập Hội đồng kinh tế vùng Đồng Nam Bộ. Trong đó, TP.HCM sẽ là Chủ tịch thường trực và xem xét mời Thủ tướng C
Diễn đàn kinh tế vùng Đông Nam Bộ: Sẽ mời Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo

Chiều 26/9, Diễn đàn kinh tế Đông Nam Bộ thường niên 2017 diễn ra tại TP.HCM với sự tham gia của các bộ ngành, lãnh đạo 8 tỉnh thành của vùng và gần 500 doanh nghiệp. Chủ đề của Diễn đàn lần này là “Tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kế vùng”.

Phát biểu khai mạc, ông Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế động lực quan trọng hàng đầu của cả nước, là “cửa ngõ” kinh tế và cầu nối của Việt Nam ra thế giới. Khu vực này đang hội tụ những lợi thế vượt trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Hiện vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 40% GDP, đóng góp gần 60% thu ngân sách quốc gia, GDP tính theo đầu người cao gần gấp 2,5 lần mức bình quân cả nước; có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng luôn cao hơn khoảng 1,4 lần đến 1,6 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Cao Đức Phát, sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số hạn chế cơ bản của vùng chưa được khắc phục. Trong đó nhấn mạnh đến các yếu tố mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi, hạ tầng hạn chế, chất lượng đô thị thấp…

Điểm yếu tồn tại từ nhiều năm, theo ông Phát là giữa các tỉnh, thành phố còn thiếu sự phối hợp, thậm chí cạnh tranh nhau về chính sách, hệ thống dịch vụ công... làm chậm hình thành một không gian kinh tế vùng thống nhất. Mặc dù có Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm, Ban chỉ đạo, nhưng các tổ chức này họat động kém hiệu quả do thiếu cơ chế có hiệu lực để thực thi các quyết sách được thống nhất.

Để khắc phục điểm yếu này, ông Phát đề xuất: Hình thành thể chế điều phối vùng hiệu quả, thành lập Hội đồng kinh tế vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, giao cho TP.HCM là Chủ tịch thường trực Hội đồng vùng, và mời Thủ tướng Chính phủ làm trưởng Ban chỉ đạo. Bên cạnh đó, cần làm rõ những nội dung cấp vùng chỉ thực thiện với Nghị quyết của Hội đồng vùng (hạ tầng, cảng, khu kinh tế, một số dịch vụ công,...); Thống nhất về chính sách, đầu tư, liên kết và phân chức năng các khu công nghiệp; hình thành qũy đầu tư, qũy xúc tiến đầu tư vùng.

Đồng quan điểm, TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng cho biết sẽ thành lập Hội đồng Doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ, tạo cơ chế để thúc đẩy liên kết doanh nghiệp.

"Liên kết vùng chỉ sự thực thành công nếu xây dựng được liên kết giữa các doanh nghiệp”, ông Lộc nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, TS.Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách và Quản lý Đại học Fulbright, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: Vấn đề cơ bản của tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của vùng hiện nay là năng suất. Tăng trưởng của khu vực chủ yếu đến từ việc gia tăng các nhân tố đầu vào, bao gồm lao động, vốn, còn tỷ lệ đóng góp từ năng suất rất hạn chế.

Theo ông Tự Anh, mặc dù Đông Nam Bộ đóng góp 45% GDP nhưng đầu tư cho vùng chỉ chiếm khoảng 18,5% tổng vốn đầu tư cả nước, hoàn toàn không tương xứng với những đóng góp to lớn của vùng. Riêng TP.HCM, từ 1/1/2017, tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại đã giảm mạnh từ 23% xuống chỉ còn 18%.

“Thiếu thốn nguồn lực, tắc nghẽn cơ sở hạ tầng và chưa có một thể chế phù hợp cho hợp tác và liên kế vùng là ba nút thắt đối với tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ”, TS.Vũ Thành Tự Anh nhận định và cho rằng: Nếu những nút thắt này không được tháo gỡ thì tốc độ tăng trưởng của vùng nhất định sẽ đi xuống, cơ cấu kinh tế sẽ khó chuyển đổi, cơ hội bứt phá vươn lên hầu như không có.

“Ưu tiên đầu tư cho TP.HCM và cả vùng kinh tế Đồng Nam Bộ cần được xem xét như một ưu tiên chiến lược đầu tư kinh tế của cả nước. Bởi nếu “đầu tàu kinh tế” không có được sự bứt phá thì sẽ khó tạo ra sự lan tỏa, kích thích sự phát triển kinh tế của cả vùng và cả nước”, TS.Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Cùng bàn về vấn đề này, TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhất trí rằng: Phải tạo ra một cơ chế khác biệt cho đầu tàu, cho “vùng trọng điểm”.

“Nếu cơ chế cho đầu tàu cũng giống như các toa tàu thì đừng mong có sự bứt phá, đừng mong đầu tàu sẽ kéo được cả đoàn tàu đi”, ông Thiên nói. TP.HCM luôn được xem là đầu tàu, Đông Nam Bộ là “vùng trọng điểm” nhưng hiện nay “chỗ nào cũng tắc” do thiếu nguồn lực đầu tư.

Vì vậy, theo ông Thiên, bàn về liên kế, phát triển vùng thì vấn đề quan trọng là bàn về phân bổ nguồn lực. Chỗ nào cần bứt phá, cần trở thành đầu tàu thì phải đầu tư mạnh, trở thành đầu tàu thực sự. Hiện nay, hạ tầng kết nối là vấn đề then chốt cho vùng. Nếu không đầu tư đột phát để giải tỏa ách tắc về hạ tầng giao thông, liên kết vùng thì sẽ khó có được sự phát triển, đồng bộ.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...