Thị trường drone tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố như sự phát triển của công nghệ, nhu cầu ngày càng cao về chụp ảnh và quay phim trên cao, và sự đa dạng của các sản phẩm drone với mức giá phù hợp.
DJI là thương hiệu drone phổ biến tại Việt Nam, trong khi các thương hiệu khác như Xiaomi, Ryze, Hubsan… không tạo ra nhiều ấn tượng với người tiêu dùng.
Khảo sát tại hệ thống cửa hàng Tokyo Camera, giá drone tại Việt Nam dao động từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, tùy vào thương hiệu, tính năng và chất lượng.
Là chiếc drone thuộc phân khúc giá rẻ nhất của nhà DJI, Mini 2 SE hiện đang có giá bán 7,49 triệu đồng cho phiên bản Basic và 9,89 triệu đồng cho bản Fly More Combo.
So với người tiền nhiệm Mini SE, DJI Mini 2 SE được nâng cấp mạnh mẽ với công nghệ truyền sóng O2, giúp tăng phạm vi truyền video lên đến 10km. Chiếc drone này cũng tương thích với bộ điều khiển DJI RC-N1, mang đến trải nghiệm bay mượt mà và ấn tượng hơn.
Giá 17,59 triệu đồng cho bộ sản phẩm cơ bản và cao nhất 26,5 triệu đồng cho bản Fly More Combo Plus, DJI Mini 4 Pro là lựa chọn lý tưởng cho những ai đang tìm kiếm một chiếc drone tầm trung chất lượng. Mini 4 Pro là sản phẩm đầu tiên trong dòng Mini sở hữu cảm biến đa hướng, ActiveTrack 360 độ và hệ thống dẫn truyền O4, mang đến khả năng tránh chướng ngại vật, bám theo chủ thể dễ dàng.
Với mức giá bán từ 25-33,6 triệu đồng, DJI Air 3 là dòng drone tầm trung mới nhất từ DJI, cải tiến vượt trội so với người tiền nhiệm Air 2S. Đây là sản phẩm đầu tiên trong dòng Air series sở hữu hệ thống camera kép, điểm nhấn là camera 3x zoom quang học, giúp tăng cường khả năng quay phim và chụp ảnh từ xa công nghệ cảm biến đa hướng và thời lượng bay ấn tượng lên tới 46 phút.
Mặc dù mới ra mắt nhưng DJI Mavic 3 Pro đã nhanh chóng lọt vào top drone tốt nhất của DJI hiện nay nhờ hiệu năng sử dụng mạnh mẽ. DJI Mavic 3 Pro hiện đang có giá bán từ 50-114 triệu đồng, đây cũng là chiếc máy bay không người lái đầu tiên của nhà DJI được trang bị đến 3 camera tích hợp bên trong.
Trong khi, DJI đang “làm mưa, làm gió” tại thị trường trong nước thì các thương hiệu như Xiaomi, Ryze, Hubsan chưa tạo được điểm nhấn khi tập trung vào phân khúc giá rẻ và drone mini, đặc biệt độ nhận diện thương hiệu và hệ sinh thái hỗ trợ chưa mạnh.
Theo báo cáo của Exactitude Consultancy, thị trường drone được dự báo sẽ phát triển đáng chú ý trong các năm tới. Theo ước tính, thị trường mục tiêu sẽ tăng từ 15,74 tỷ USD vào năm 2021 lên khoảng 49,37 tỷ USD vào năm 2026, có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm CAGR là 17,22% trong giai đoạn 2021-2026.
Trong đó, xét về mặt doanh thu, khu vực Bắc Mỹ chiếm thị phần chính trong lĩnh vực kinh doanh toàn cầu, tiếp theo là khu vực châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2022-2027. Các yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường là ứng dụng ngày càng tăng của các drone trong lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, kiểm tra, giám sát và khảo sát.
Báo cáo cũng cho biết, số lượng bán drone cho mục đích vui chơi giải trí cá nhân trên toàn thế giới là khoảng 5 triệu thiết bị vào năm 2020 và con số này dự báo sẽ tăng lên 9,6 triệu trên toàn cầu vào năm 2030.
Tại Việt Nam, ngoài các drone được sử dụng rộng rãi theo sở thích cá nhân, thì việc sử dụng drone trong nông nghiệp, chủ yếu là phun thuốc bảo vệ thực vật bắt đầu phổ biến và thị trường dịch vụ drone phun thuốc ngày càng phát triển để đáp ứng xu hướng ngành nông nghiệp 4.0.
Theo quy định, Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý điều hành, giám sát bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Trong đó, Cục Tác chiến cấp phép bay. Cơ quan Phòng không thuộc các quân khu và Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra khu vực hoạt động, việc chấp hành các quy định về tổ chức bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong vùng trời Việt Nam.