Doanh nghiệp đau đầu với tình trạng “xác sống công sở” trỗi dậy

“Zombie công sở” hay “xác sống công sở” là cụm từ ám chỉ những người nỗ lực thấp nhưng không có ý định rời đi, làm việc vật vờ như những “xác sống”. Nhóm người này đang tăng trở lại với tỷ lệ lên đến 88%, khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
nhan-su-1-6598.jpg
Có đến 88% số người thuộc nhóm "Zombie công sở" không có ý định rời khỏi doanh nghiệp

Công ty Cổ phần Anphabe, đối tác của Workplace from Meta và LinkedIn tại Việt Nam, chuyên tư vấn về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc hạnh phúc, vừa phát hành báo cáo “Xu hướng nhân tài Việt Nam – 10 năm nhìn lại”, nêu bật nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý là sự trở lại của xu hướng “Zombie công sở”, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp.

SỰ GIA TĂNG KHÔNG MONG ĐỢI

Anphabe nhận định: "Nếu phải dùng một từ để mô tả bức tranh thị trường lao động Việt Nam trong một thập kỷ qua thì có lẽ "biến động" là từ thích hợp nhất. Hàng loạt các sự kiện, diễn biến quan trọng đã tác động đến thị trường lao động như: Đại dịch COVID-19, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo ChatGPT, xung đột địa chính trị, sự nổi lên của “đồng tiền ảo” và thế hệ Gen Z".

Dù vậy Anphabe đánh giá, thị trường lao động vẫn có những thứ được coi là “bất biến”, chẳng hạn như vấn đề thu nhập, sự cân bằng và ổn định luôn là mối quan tâm hàng đầu của người đi làm, hay các yếu tố mang tính toàn diện như: Sự tưởng thưởng, cơ hội phát triển, văn hóa môi trường, lãnh đạo quản lý, chất lượng công việc – cuộc sống, danh tiếng công ty… vẫn luôn giữ vị trí quan trọng để tạo nên một môi trường làm việc lý tưởng…

Tuy nhiên, nhiều thay đổi đã được thiết lập. Ví như, cái gọi là "ổn định" giờ đây không còn là sự gắn bó lâu dài với một nơi làm việc mà là khả năng duy trì sự vững vàng và thích nghi với biến động, thông qua việc tham gia vào nhiều loại công việc và hoạt động tạo giá trị khác nhau và có nhiều nguồn thu nhập đa dạng.

Khái niệm "Làm việc linh hoạt" không còn đơn thuần là một lựa chọn, mà đã trở thành tiêu chuẩn mới, đặc biệt là đối với thế hệ Gen Z khi khoảng 30% Gen Z kỳ vọng công ty cho phép làm việc linh hoạt và 71% Gen Z sẽ cân nhắc công việc khác nếu công ty không có chế độ này.

Một vấn đề khác là sau khi cơn bão sa thải quét qua, cùng quá nhiều những thay đổi và không chắc chắn trong tổ chức khiến người đi làm cảm thấy hoang mang, áp lực, làm gia tăng nhóm người rơi vào tình trạng “Burn Out”, một trạng thái còn nghiêm trọng và nguy hiểm hơn cả Stress, dễ khiến người dễ khiến người lao động rơi vào trạng thái kiệt sức, trống rỗng và không còn động lực để cố gắng. Khảo sát của Anphabe trong năm 2023 đã chỉ ra, trung bình cứ 10 người đi làm bị Stress thường xuyên thì có 4 người đã chuyển sang trạng thái “Burn Out”.

“Trong bối cảnh đó, an sinh cho nhân viên trở thành trọng trách của doanh nghiệp”, báo cáo nhận định và nhấn mạnh các yếu tố như “chăm sóc sức khỏe, đời sống nhân viên tốt” và “Môi trường làm việc an toàn” cũng ngày càng thăng hạng, hiện được xếp vào Top 3 và Top 10 trong Top 15 tiêu chí về nơi làm việc lý tưởng do người đi làm bình chọn.

nhan-su-4-6320.jpg
Trung bình cứ 10 người đi làm bị Stress thường xuyên thì có 4 người đã chuyển sang trạng thái “Burn Out”, kiệt sức, trống rỗng và không còn động lực để cố gắng

Một sự gia tăng không mong đợi khác là sự trỗi dậy của nhóm “Zombie công sở”, thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm người người lao động đi làm nhưng không nỗ lực làm, không có ý định nghỉ việc dù ít gắn kết, luôn tranh thủ hạ gục đồng nghiệp bằng thái độ và hành vi tiêu cực… Bên cạnh đó là nhóm người “nghỉ việc thầm lặng” (Quiet Quitting), nói lên tình trạng nhân viên vẫn tiếp tục làm việc nhưng không còn tập trung toàn tâm toàn ý hay đóng góp một cách tích cực cho công ty, thể hiện sự rời bỏ thầm lặng và một tâm thế không còn muốn phấn đấu hoặc gắn bó lâu dài.

Cả hai nhóm này đều có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Khảo sát của Anphabe trong giai đoạn 2016 - 2023 cho thấy sự thay đổi trong tỷ lệ giữa các nhóm nhân lực qua các năm, với sự giảm dần của nhóm Nòng cốt (những người vừa nỗ lực và trung thành mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được) và sự gia tăng của nhóm Tổn thất đáng tiếc (những người rất yêu công ty và rất nỗ lực cho đến ngày họ ra đi), nhóm Từ bỏ (những người vừa thiếu nỗ lực, vừa có ý định rời đi) và đặc biệt là nhóm Zombie (những người nỗ lực thấp nhưng không có ý định rời đi, làm việc vật vờ như những “xác sống” nơi công sở).

“Có đến 88% người thuộc nhóm Zombie bày tỏ ý định ở lại với doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với con số 67% vào thời điểm Zombie bùng phát năm năm 2017”, bà Thanh Nguyễn, CEO của Anphabe, cho biết và nhấn mạnh: Trên thực tế có đến 45% nhân lực Việt Nam thể hiện sự “rất không gắn kết” hoặc “thờ ơ” với doanh nghiệp, tương ứng mức độ tự nguyện đóng góp của họ chỉ khoảng 11% và 53%, thấp hơn nhiều so với nhóm nhân viên gắn kết cao.

XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC HẠNH PHÚC

Từ thực tế gần một nửa nguồn nhân lực đang làm việc dưới khả năng của mình, cho thấy tầm quan trọng của việc tái gắn kết và phục hồi động lực làm việc cho nhóm “zombie công sở”. Đây là nhiệm vụ lớn nhất trong quản trị nhân sự mà doanh nghiệp cần quan tâm và theo nhận định của Anphabe, việc xây dựng "môi trường làm việc hạnh phúc" để tạo ra "nhân sự hạnh phúc"”sẽ là chìa khóa để giải quyết vấn đề.

Theo bà Thanh Nguyễn, nếu như trước đây, “hạnh phúc” được coi là một khái niệm gắn với gia đình và cá nhân thì với sự phát triển của xu hướng “hòa hợp công việc - cuộc sống” (Work-Life Intergration), các doanh nghiệp ngày nay cũng ngày càng coi trọng hạnh phúc của người đi làm.

nhan-su-3-3111.png
Xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc sẽ thúc đẩy sự gắn kết trong doanh nghiệp

Tổng hợp số liệu đo lường hàng trăm doanh nghiệp tại Việt Nam suốt 10 năm qua của Anphabe và Báo cáo của Gallup về gắn kết nhân viên trên toàn cầu đã chứng minh: Nhân viên hạnh phúc hơn không chỉ làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn, mà còn bền bỉ vượt khó hơn, đồng thời các doanh nghiệp có nguồn nhân lực hạnh phúc hơn cũng sẽ có khả năng làm hài lòng khách hàng tốt hơn, và qua đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận đáng kể.

Tuy nhiên, một khảo sát của Anphabe vào cuối năm 2023 với 63.858 người lao động trên toàn quốc đã chỉ ra, các chỉ số niềm tin và gắn kết của người lao động đang sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí xuống mức thấp hơn cả giai đoạn COVID-19.

Chính vì thế, các doanh nghiệp ngày nay đều đang tập trung “củng cố nội bộ", xây dựng lại niềm tin cho nhân viên vào tương lai và chiến lược của tổ chức để cùng nhau vượt qua thách thức và tìm kiếm cơ hôi phát triển mới.

“Đây cũng chính là lý do để Anphabe khởi xướng Chương trình Chứng nhận doanh nghiệp có nguồn nhân lực hạnh phúc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp định vị mình như những nơi làm việc hướng về người lao động, kiến tạo môi trường để mỗi cá nhân được phát huy tối đa khả năng và đóng góp vào sự phát triển chung của tổ chức”, bà Thanh Nguyễn chia sẻ và mong muốn hoạt động này sẽ truyền cảm hứng xây dựng nguồn nhân lực hạnh phúc tới cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Dựa trên nghiên cứu chuyên sâu và thường xuyên cập nhật xu hướng người đi làm Việt Nam, hiện Anphabe đã xây dựng mô hình đo lường 24 nhóm yếu tố môi trường làm việc (hay còn gọi là nhóm “điều kiện hạnh phúc”) xoay quanh khung 6 tiêu chí cốt lõi bao gồm: Sự tưởng thưởng, cơ hội phát triển, văn hóa & môi trường, lãnh đạo & quản lý, chất lượng công việc – cuộc sống và danh tiếng công ty.

Từ đó, phân tích các cơ hội và ưu tiên cải thiện đối với từng nhóm nhân viên cụ thể để doanh nghiệp không chỉ nhìn nhận một cách chính xác, mà còn có những bước đi chiến lược hiệu quả để nâng cao sự hài lòng và hạnh phúc của nhân viên, cải thiện môi trường làm việc.

Có thể bạn quan tâm