Doanh nghiệp hộ cá thể: Mong manh khi thương hiệu bị xâm phạm

Thương hiệu không chỉ là tên gọi của hộ kinh doanh, mà còn là bộ mặt, là uy tín, là chất lượng của sản phẩm, dịch vụ mà hộ kinh doanh cung cấp. Trong khi đó, hộ cá thể thường tạo ra các công thức, sản phẩm tốt nhưng lại chưa chú trọng đến bảo hộ thương hiệu.

Hà Nội là đất “nghìn năm văn hiến”, với nhiều đặc sản nổi tiếng mang đậm hương vị Hà Thành, như trà sen, cốm, bánh chè lam… tất cả đều là những món ngon dân dã, được xây dựng thương hiệu từ những hộ gia đình có truyền thống lâu năm.

Dùng chung thương hiệu

Cùng với sự phát triển của thị trường, thương hiệu của các hộ gia đình lại đang được nhiều cửa hàng khác sử dụng. Như dọc phố Bà Triệu cửa hàng nào cũng treo biển “Lạc rang húng lìu bà Vân”, làng cốm có “Cốm bà Hoản”, bánh cốm Nguyên Ninh...

Đặc điểm chung của các thương hiệu này là “nổi danh” từ lâu, nhưng không được bảo hộ thương hiệu đúng cách, dẫn đến bị các cửa hàng khác lợi dụng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, với các hộ gia đình, việc hiểu rõ và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm của mình cũng là một điều khá khó khăn, do phần lớn họ tập trung vào xây dựng và phát triển sản phẩm, ít nghĩ đến bảo hộ thương hiệu.

Caramen Dương Hoa

Bà Vũ Thị Hoa, chủ thương hiệu Caramen Dương Hoa (29 Hàng Than) cho biết, cửa hàng Caramen Dương Hoa được bà cùng chồng mở từ cách đây khoảng 30 năm, từ 1996. Nhưng mãi đến 1999, bà mới có thể cho ra một công thức caramen hợp khẩu vị khách hàng.

Đến giai đoạn hiện tại, Dương Hoa là cửa hàng tạo nên danh tiếng của caramen Hàng Than. Không chỉ nhiều thực khách trên địa bàn Hà Nội “nghe danh mà đến”, thậm chí nhiều khách hàng từ các tỉnh như Hải Dương, Vĩnh Phúc cũng gọi đặt hàng của Dương Hoa.

“Khách đặt đi tỉnh mỗi lần từ 1.500 – 2.000 hộp. Thậm chí có những khách từ TP. HCM đi du lịch cũng mua về làm quà”, bà Hoa cho biết.

Tuy nhiên, gần đây, gia đình bà Hoa được biết có các cửa hàng khác đang sử dụng thương hiệu của mình.

“Chúng tôi được biết có 2,3 cửa hàng đang sử dụng thương hiệu Caramen Dương Hoa để bán hàng trên mạng (qua các ứng dụng đặt đồ ăn - PV), trong khi đó Caramen Dương Hoa chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng, hoặc gọi điện đến số điện thoại của cửa hàng để đặt hàng, không hề bán chỗ nào khác”, bà Hoa nói.

Caramen Dương Hoa
Bình luận tiêu cực từ người dùng trên app Foody

Chưa kể, giá bán niêm yết 8.000 đồng/cốc caramen Dương Hoa là không đổi, dù đặt nhiều hay ít. Nhưng bà Hoa cho biết mức giá của các cửa hàng nêu trên nhảy múa theo dạng “càng nhiều càng rẻ”.

Mở một ứng dụng chuyên bán đồ ăn online, bà Hoa chỉ ra một bình luận tiêu cực từ thực khách đối với một cửa hàng Caramen Dương Hoa đang bán trên ứng dụng này và cho biết lo ngại những bình luận tiêu cực này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu "chuẩn" của mình.

Đăng ký bảo hộ sớm, tránh kiện tụng về sau

Khi được hỏi cửa hàng đã có biện pháp gì để bảo hộ thương hiệu, bà Hoa cho biết năm 2016 đã từng đi đăng ký nhãn hiệu, tuy nhiên là "vì có người bảo chúng tôi nên đi đăng ký thương hiệu thì chúng tôi làm”, bà Hoa nói.

Bà Hoa cho biết, với những hộ kinh doanh cá thể, tìm ra một công thức ngon đã là một quá trình dài và phức tạp. Sau khi được người tiêu dùng đón nhận thì phải tập trung thời gian và công sức để mở rộng dây chuyền sản xuất, quản lý kinh doanh… nên đa phần các hộ kinh doanh như bà chưa quan tâm đúng mực về câu chuyện thương hiệu và bảo vệ thương hiệu sản phẩm.

Ông Nguyễn Thái Dương, "đồng" chủ nhân của thương hiệu Caramen Dương Hoa còn cho biết thêm, để có được giấy sở hữu nhãn hiệu năm 2016 đã là một “nỗ lực”, bởi đã phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê, lại mất kha khá chi phí.

Caramen Dương Hoa
Ông Nguyễn Thái Dương, đồng chủ nhân của cửa hàng Caramen Dương Hoa

Tuy nhiên, hiện nay, khi phát hiện ra có người sử dụng thương hiệu Caramen Dương Hoa, ông bà đang khá lo lắng, bởi dù sao đây cũng là nỗ lực của 2 vợ chồng, và ông bà cũng muốn truyền lại thương hiệu cho con cháu.

Nhưng với việc các cửa hàng khác đang vô tư mọc lên, vô tư kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử mà ông bà không hiểu rõ, thì nguy cơ mất thương hiệu là hiện hữu.

Chỉ sang đối diện cửa hàng Caramen Dương Hoa là cửa hàng Bánh cốm Nguyên Ninh – một trong hàng chục cửa hàng Bánh cốm Nguyên Ninh dọc theo phố hàng Than, ông Dương lo ngại sau này không ai biết được đâu sẽ là nơi bắt đầu của thương hiệu Caramen Dương Hoa.

Theo Luật sư Nguyễn Giang Nam - Trưởng bộ phận pháp chế công ty AkaMedia cho biết, nhãn hiệu thương hiệu không chỉ là tên gọi của hộ kinh doanh, mà còn là bộ mặt, là uy tín, là chất lượng của sản phẩm, dịch vụ mà hộ kinh doanh cung cấp cho khác hàng. Do đó, thương hiệu nhãn hiệu có vai trò quan trọng đối với các đơn vị kinh doanh nói chung, và hộ kinh doanh nói riêng và được pháp luật bảo vệ theo quy định của Luật Sở Hữu Trí Tuệ và các văn bản pháp luật khác liên quan

Ở nước ta không hiếm gặp việc các nhãn hiệu có tên tuổi thường xuyên bị xâm phạm dưới các hình thức như sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm tổn hại đến kinh tế và giá trị thương hiệu.

caramen dương hoa

Hiện, tại nước ta, tất cả các hành vi sử dụng thương hiệu trùng, tương tự, gây nhầm lẫn với thương hiệu đã được đăng ký đều bị coi là vi phạm pháp luật. Chủ sở hữu thương hiệu có thể buộc bên vi phạm buộc phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm, phải thu hồi hàng hóa vi phạm, gỡ bỏ biển quảng cáo vi phạm và bồi thường thiệt hại cho bên sở hữu thương hiệu.

Theo ông Giang Nam: Đối với Caramen Dương Hoa, hiện tại cửa hàng đã đăng ký bộ nhận diện nhãn hiệu, chưa đăng ký nhận diện thương hiệu, cửa hàng nên đăng ký sớm để được sự bảo hộ tốt nhất của cơ quan chức năng.

"Trường hợp nhận thấy có cửa hàng hoặc đơn vị tổ chức cửa hàng khác vi phạm sử dụng thương hiệu của Dương Hoa bán hàng, Caramen Dương Hoa có thể thu thập chứng cứ, gửi đi giám định hành vi vi phạm và tiến hành các bước bảo hộ theo quy định" ông Nam tư vấn. 

“Thực tế đối với các cửa hàng như Dương Hoa, phương án tốt nhất là đăng ký bảo hộ thương hiệu. Vì khi nhãn hiệu của Dương Hoa đã đăng ký bảo hộ, mà có người khác sử dụng nhãn hiệu giống hoặc tương tự với nhãn hiệu của Dương Hoa cho cùng loại sản phẩm hoặc dịch vụ mà Dương Hoa kinh doanh, Dương Hoa có thể nhờ pháp luật can thiệp để đình chỉ việc sản xuất, phân phối lưu thông, tịch thu, tiêu huỷ hàng hoá vi phạm… và xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đối với người xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình tại cơ quan Toà án hoặc truy tố xét xử nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự, luật sư Nguyễn Giang Nam cho biết.

Có thể bạn quan tâm