Doanh nghiệp Hoa Kỳ tính bài toán chuyển dịch đến Việt Nam

Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận nguồn đầu tư dịch chuyển? Trả lời được câu hỏi này, dòng vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể là Hoa Kỳ, đến Việt Nam sẽ có thay đổi lớn.
Doanh nghiệp Hoa Kỳ tính bài toán chuyển dịch đến Việt Nam

Việt Nam đã sẵn sàng?

Câu hỏi này một lần nữa được nêu lên, lần này từ bà Marie Diron, Giám đốc điều hành nhóm Rủi ro tín nhiệm quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương (thuộc Moody's).

Bà Marie Diron đã đặt vấn đề này tại Hội thảo về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và những tác động về kinh tế đối với Việt Nam, tìm giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững ở Việt Nam và các nước trong khu vực (trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế châu Á - The Asian Economic Forum do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) tổ chức cuối tuần trước tại TP.HCM).

“Mối quan hệ Mỹ - Trung vẫn phức tạp, chưa thể nhận định chính xác. Các nhà sản xuất nước ngoài tại Trung Quốc có xu hướng chuyển đầu tư vào Việt Nam, nhưng thể chế, nguồn lực về người, cơ sở hạ tầng, hay nói chung là cả phần cứng lẫn phần mềm của Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận sự dịch chuyển này chưa?”, bà Marie Diron đặt câu hỏi.

Cũng phải nói thêm về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Một số chuyên gia nhận định, căng thẳng hiện đã không đơn giản chỉ là một cuộc "chiến tranh thương mại". Đặc biệt,khi bà Wanzhou Meng, Phó chủ tịch, Giám đốc tài chính toàn cầu của Huawei tại Canada bị bắt theo yêu cầu của Chính phủ Hoa Kỳ vào ngày 1/12/2018 vừa rồi - cùng ngày diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và người đứng đầu Trung Quốc tại Hội nghị G20 ở Argentina, tình thế càng phức tạp.

“Việc thoả hiệp giữa hai bên sẽ khó xảy ra, dù có tạm thoả hiệp thì cũng khó duy trì lâu dài. Mối quan hệ hai bên thực sự phức tạp và không thể tiên liệu”, bà Marie Diron dự báo.

Và điều này có thể khiến sự dịch chuyển đầu tư của các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nhà đầu tư nước ngoài khác ra khỏi Trung Quốc sẽ không đơn giản. Thậm chí, bà Marie Diron còn lo ngại tới những tác động theo kiểu “hai con voi đánh nhau, đồng cỏ sẽ bị cày nát” mà các nền kinh tế lân cận Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ nghĩ gì?

Chỉ trước đó vài ngày, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2018, ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam cũng đã đặt đúng câu hỏi này với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cả các doanh nghiệp Việt Nam có mặt.

Ông này đã nhắc đến kết quả cuộc khảo sát gần đây của AmCham tới các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc, theo đó, một phần ba đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài. Một cuộc khảo sát riêng biệt của các công ty nước ngoài từ các quốc gia khác cho thấy một nửa đang cân nhắc việc di dời và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ.

“Trung Quốc vẫn sẽ là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng với sự dịch chuyển đầu tư, Việt Nam đang có thể đạt được lợi ích. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam tận dụng triệt để cơ hội này, để tiếp tục giữ vững tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng?”, ông Michael Kelly hỏi.

Về phía nhà đầu tư Hoa Kỳ, theo Chủ tịch AmCham, họ biết đang cần gì. “Các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp được đầu tư bởi nước ngoài cần một môi trường hỗ trợ và công bằng như nhau để phát triển. Điều đó có nghĩa là mối quan hệ của các nhà đầu tư với các cơ quan hành chính cần phải tương hỗ và minh bạch”, ông Michael Kelly nói.

Cụ thể, Chủ tịch AmCham cho rằng, cần có những cải thiện trong các lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa hết sức to lớn đối với khả năng cạnh tranh của Việt Nam, đó là năng lượng (để củng cố tương lai của Việt Nam); tạo thuận lợi cho thương mại và luồng hàng hóa; tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn, minh bạch và ổn định hơn; khai phá hoàn toàn tiềm năng của nền kinh tế số tại Việt Nam; và hiện đại hóa giáo dục, đảm bảo chi phí lao động hợp lý

“Chúng tôi tin rằng, môi trường kinh doanh có thể được cải thiện bằng các động thái tăng năng suất và giảm chi phí cũng như rủi ro kinh doanh tại Việt Nam. Quan trọng hơn, việc giảm chi phí và rủi ro kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam – rất nhiều trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - và đồng thời sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh - khởi nghiệp, đảm bảo khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam”, ông Michael nói.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dù tổng vốn đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp Hoa Kỳ không cao bằng các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng luôn được đánh giá cao bởi tính ổn định và cam kết phát triển môi trường chung bền vững.

“Mong các ngài gửi lời đến Tổng thống (Donald Trump - PV), Hoa Kỳ quan tâm đến giảm thâm hụt thương mại với Việt Nam thì hãy giúp Việt Nam mạnh lên, nền kinh tế khoẻ mạnh hơn để có thể mua hàng nhiều hơn từ Hoa Kỳ”, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội thảo về Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương và những tác động về kinh tế đối với Việt Nam, tìm giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững ở Việt Nam và các nước trong khu vực.

Theo Phúc An/ Báo đầu tư

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...