Doanh nghiệp ngành thép chưa tới “hồi thái lai”

Trong quý 3/2023, mặc dù nhận được nhiều tín hiệu tích cực nhờ nhu cầu xây dựng gia tăng, giá thép thế giới cũng hồi phục sau khi chạm đáy hồi giữa năm nhưng ngành thép vẫn đối diện với nhiều khó khăn khi nhu cầu về thép chưa phục hồi như mong đợi…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
thép avt.jpeg
Doanh nghiệp ngành thép chưa tới “hồi thái lai”

Khảo sát kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 cho thấy, hầu hết các công ty thép đều ghi nhận kết quả sụt giảm, thậm chí có doanh nghiệp lỗ nặng.

LOẠT DOANH NGHIỆP BÁO LỖ TRIỀN MIÊN

Theo báo cáo tài chính quý 3/2023, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco - mã chứng khoán TIS) ghi nhận doanh thu giảm xuống còn 2.414 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp do đó giảm còn 34 tỷ đồng.

Chi phí tài chính tăng mạnh chủ yếu là chi phí lãi vay cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp tăng theo dẫn tới lỗ sau thuế 58,2 tỷ đồng. Như vậy đây là quý thứ 5 liên tiếp báo lỗ của Gang thép Thái Nguyên.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, Gang thép Thái Nguyên báo lỗ 194,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái còn có lãi 7,9 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm từ 1.954 tỷ đồng xuống còn 1.679 tỷ đồng. Nợ phải trả 9.011 tỷ đồng tăng gần 1.000 tỷ đồng so với con số đầu năm, như vậy, nợ phải trả hiện đang gấp 5,3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó vay nợ tài chính hơn 4.500 tỷ đồng chiếm hơn 50% tổng vay nợ. Hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng từ 1.766 tỷ đồng lên 1.801 tỷ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2023-10-19 lúc 15.14.50.png

Đồng cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Thép Vicasa - VNSteel (mã chứng khoán: VCA) cũng ghi nhận thua lỗ trong quý 3 vừa qua. Cụ thể, trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 390 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi trừ đi chi phí bán hàng, chi phí lãi và quản lý doanh nghiệp, Thép Vicasa - VNSteel báo lỗ 2,7 tỷ đồng sau thuế. Tuy vậy, con số này giảm đáng kể so với số lỗ 22 tỷ đồng trong quý 2/2023. Lũy kế từ đầu năm đến nay, Thép Vicasa - VNSteel báo lãi 3,5 tỷ đồng trong khi năm ngoái lỗ 12,5 tỷ đồng.

Tổng cộng tài sản tính đến cuối tháng 9 là 386 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng từ 195 tỷ đồng lên 246 tỷ đồng. Nợ phải trả 197,8 tỷ đồng trong đó chủ yếu là vay nợ tài chính 137 tỷ đồng.

Tương tự, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Thép Thủ Đức – VNSteel (mã chứng khoán: TDS) trong quý 3/2023 đạt gần 327 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty lãi gộp gần 10 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gộp gần 21 tỷ.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng so với cùng kỳ, lên gần 10 tỷ đồng đã ăn mòn hết lãi gộp của Thép Thủ Đức. Kết quả, công ty lỗ 0,5 tỷ đồng trong quý 3/2023, trong khi cùng kỳ lỗ gần 22 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 571 tỷ đồng, lãi sau thuế 1,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 49% và 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 13% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau ba quý.

Ảnh chụp Màn hình 2023-10-19 lúc 15.09.45.png

Công ty Cổ phần Thép Nhà Bè – VNSteel (mã chứng khoán: TNB) cũng cho biết, doanh thu quý 3/2023 của doanh nghiệp này đạt 340 tỷ đồng, giảm 25% so với quý. 3/2022. Kết thúc quý 3, doanh nghiệp thép này ghi nhận lợi nhuận sau thuế lỗ 2,7 tỷ đồng. Kéo theo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm lỗ 1,2 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Chế tạo Kết cấu Thép VNECO.SSM (mã chứng khoán: SSM) là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành ghi nhận lợi nhuận trong quý 3/2023 tăng mặc dù doanh thu giảm.

Trong đó, công ty đạt gần 47 tỷ doanh thu thuần giảm gần 14% so với cùng kỳ. Nhờ giá vốn hàng bán giảm 24% còn 41 tỷ nên lợi nhuận gộp của công ty đạt gần 7 tỷ tăng mạnh 700% so kỳ trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt hơn 1 tỷ đồng tăng 120% do kỳ này năm trước công ty âm gần 5 tỷ lợi nhuận.

Sau 9 tháng Thép VNECO.SSM đạt hơn 98 tỷ doanh thu, giảm 36% so với kỳ trước. Lợi nhuận đỡ bết bát hơn khi giảm từ âm hơn 8 tỷ kỳ trước về còn âm 0,6 tỷ kỳ này.

Ảnh chụp Màn hình 2023-10-19 lúc 15.20.10.png

Ngược chiều với các doanh nghiệp cùng ngành, Công ty Cổ phần Thép Lá Tấm Thống Nhất (mã chứng khoán: TNS) ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý 3/2023. Cụ thể, doanh thu quý này đạt 413 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 21,2 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế đạt 3,1 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 6,3 tỷ đồng trong quý 3/2022. Song tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2023, Thép Lá Tấm Thống Nhất chỉ mang về 0,1 tỷ đồng lợi nhuận do các quý trước đều báo lỗ.

Trong quý 3/2023, Công ty Cổ phần Thép Mê Lin (mã chứng khoán: MEL) ghi nhận doanh thu đạt 183,6 tỷ đồng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Sau trừ thuế phí, công ty báo lãi sau thuế “còi” với 0,9 tỷ đồng, tiếp tục giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp này báo lãi gần 4 tỷ đồng, giảm mạnh 70% so với cùng kỳ năm 2022.

KHÓ KHĂN VẪN CÒN TIẾP DIỄN

Trong báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh quý 3 vừa công bố, SSI Research ước tính Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) có thể đạt 2,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận ròng trong quý 3/2023, tăng khoảng 60% so với quý trước và phục hồi đáng kể so với mức lỗ 1,8 nghìn tỷ đồng trong quý 3/2022, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 11% so với quý trước và giá than giảm.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) ước tính lợi nhuận Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) đạt khoảng 200 tỷ đồng, tăng trưởng 122,6% so cùng kỳ.

Còn Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) cũng ước đạt được lợi nhuận sau thuế quý 3 này là 130 tỷ đồng và tăng trưởng 131% so cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trong quý 4 của công ty có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do nguyên liệu đầu vào tăng.

Theo các công ty chứng khoán, ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng cơ bản đã "thoát đáy" và đang chờ cú huých để đi lên. Lý do chủ yếu là nhờ Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Tuy nhiên ngành bất động sản và xây dựng vẫn chưa khả quan, chưa phục hồi trong giai đoạn kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng còn khó khăn dù lãi suất giảm mạnh, cơ chế chính sách dần được tháo gỡ nên thời gian tới hoạt động kinh doanh của ngành thép và vật liệu xây dựng sẽ tăng tốc.

Tại một tọa đàm gần đây, ông Đào Minh Châu, Phó giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research nhận định ngành thép là 1 trong 4 nhóm ngành có triển vọng phục hồi tốt nhất trong nửa cuối 2023.

Theo ông Châu, các doanh nghiệp trong ngành hầu như đã ghi nhận mức lỗ kỷ lục trong năm 2022. Trong nửa cuối năm 2023, dự báo kết quả của các công ty ngành thép chưa quay lại mức trung bình các năm trước nhưng sẽ cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái. Bởi, lượng bán hàng đã cải thiện, đặc biệt là kênh xuất khẩu. Các công ty cũng không còn phải trích lập hàng tồn kho lớn như nửa cuối năm ngoái.

Sang năm 2024, chuyên gia của SSI dự báo nhóm các doanh nghiệp ngành thép cũng sẽ là một trong những nhóm doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận có sự cải thiện mạnh.

Ảnh chụp Màn hình 2023-10-19 lúc 14.39.10.png
Nguồn: KBSV

Trong báo cáo triển vọng thị trường quý 4/2023, các chuyên gia của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, giá thép có thể tiếp tục duy trì ở mức nền thấp từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên khó có thể giảm sâu hơn nữa do hàng tồn kho thép của Trung Quốc và các doanh nghiệp Việt Nam đã tiệm cận với mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.

Mặc dù chưa có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, diễn biến thị trường thép nội địa đang dần cho thấy những tín hiệu khả quan hơn khi sản lượng tiêu thụ thép nội địa đã tăng trưởng trở lại kể từ tháng 4/2023.

Do đó, KBSV kỳ vọng rằng, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có thể bắt đầu duy trì tích cực kể từ đầu năm 2024 nhờ: mặt bằng lãi suất tương đối thấp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; mức nền thấp của giá thép, HRC có thể hỗ trợ kích thích nhu cầu tiêu thụ trong nước; các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng.

Thị trường xuất khẩu được kỳ vọng vẫn sẽ là kênh dẫn dắt chính cho ngành thép Việt Nam. Bên cạnh các thị trường chính như Mỹ và Châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng mức giá cạnh tranh so với sản phẩm đến từ Mỹ và Châu Âu để mở rộng thị phần tại các thị trường nhỏ hơn.

Ngoài ra, Trung Quốc đang có những động thái cắt giảm sản lượng sản xuất thép và sản lượng xuất khẩu do những lo ngại về yếu tố môi trường. Do đó, thị trường xuất khẩu sẽ chịu ít áp lực cạnh tranh hơn.

Ảnh chụp Màn hình 2023-10-19 lúc 13.53.22.png
Nguồn: Chứng khoán KIS

Ở góc nhìn thận trọng hơn, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KIS Việt Nam duy trì đánh giá “trung lập” đối với ngành thép Việt Nam do sản lượng bán ra không tăng trưởng, điều này có thể tiếp tục cản trở doanh thu của thị trường trong những tháng tới. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế ảm đạm có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Nguồn: Chứng khoán KIS
Nguồn: Chứng khoán KIS

Xét về tình hình tiêu thụ thép xây dựng, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 9/2023, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt 876.043 tấn, giảm lần lượt so với tháng trước là 6% và giảm 20% so với tháng 9/2022. Bán hàng đạt 958.560 tấn, tăng 9% so với tháng trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, tính chung 9 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 7,722 triệu tấn, giảm 21,6% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng đạt 7,738 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 344.676 tấn, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Có thể bạn quan tâm