Doanh nghiệp tiếp tục 'gồng mình' với giá xăng dầu

Thuế bảo vệ môi trường chính thức được giảm 2.000 đồng với xăng và 1.000 đồng với dầu diesel. Những tưởng giá xăng sẽ được giảm mạnh từ kỳ điều hành vào 0h ngày 1/4 vừa qua, song thực tế giá xăng chỉ giảm nhẹ hơn 1.000 đồng/lít, còn giá dầu tăng khoảng 1.500 đồng/lít.
Mua bán xăng dầu tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu Petrolimex tại Hà Nội.
Mua bán xăng dầu tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu Petrolimex tại Hà Nội.

Từ 0h ngày 1/4, Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng giảm giá tất cả mặt hàng xăng, trong khi tăng mạnh giá dầu. Cụ thể, xăng E5RON92 giảm 1.021 đồng/lít về 27.309 đồng/lít, xăng RON95 giảm 1.039 đồng/lít còn 28.153 đồng/lít. Trong khi đó, dầu hỏa tăng 1.519 đồng, lên 23.764 đồng một lít, dầu diesel lên 25.080 đồng một lít, tăng 1.447 đồng.

Bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty vận tải Cường Thắng - chuyên vận chuyển hàng tuyến Bắc - Nam cho hay, các doanh nghiệp vận tải kỳ vọng với mức giảm của thuế bảo vệ môi trường thì giá xăng dầu sẽ giảm mạnh hơn nữa. Mức tăng - giảm xăng dầu như vừa qua thực sự không có nhiều tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh vận tải vẫn tiếp tục khó khăn, nhiều xe phải "đắp chiếu" nằm chờ...

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Vận tải Kim Phát ngán ngẩm khi nói đến mức điều chỉnh giá xăng dầu.

Ông Thanh cho hay, xe container sử dụng nhiên liệu dầu với khoảng 40% trong chi phí giá vận chuyển. Từ giữa năm 2021 đến nay, giá dầu đã tăng khoảng 50%, tương ứng mỗi chuyến xe chi phí tăng hơn 500.000 đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể tăng giá cước theo mức đó mà chỉ có thể tăng từ 5 - 7%.

Các doanh nghiệp vận tải đều chia sẻ, nếu tăng giá cước mạnh chắc chắn sẽ mất khách, nhưng nếu không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ thì với đà tăng của giá xăng dầu hiện nay doanh nghiệp càng chạy càng thua lỗ.

Anh Trường Sơn, lái xe tuyến Hà Nội - Nội Bài cho hay: "Hiện nay, giá xăng vẫn ở mức cao nên thu nhập cũng không còn được bao nhiêu. Tăng giá cước lên thì mất khách. Nhiều anh em đã phải cho xe nằm nhà vì thu không đủ bù chi phí".

Theo ông Bùi Danh Liên, chuyên gia Hiệp hội Vận tải Hà Nội, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đang rất lo lắng khi giá xăng dầu vẫn ở mức cao. Xe nằm bãi nhiều hơn. Có những đơn vị buộc phải giảm tuyến, chuyến vì thu không đủ bù chi. Nếu giá xăng dầu tiếp tục neo cao và xu hướng tăng tiếp, doanh nghiệp vận tải sẽ không thể cầm cự được.

"Những tác động từ dịch bệnh COVID-19 suốt thời gian qua đã khiến doanh nghiệp điêu đứng, không có nguồn thu, trong khi chi phí cho xét nghiệm lái xe, xăng dầu tăng mạnh như vừa qua khiến doanh nghiệp chật vật để tồn tại. Với đà này, thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp buộc phải bán xe, thậm chí phá sản", ông Bùi Danh Liên nói.

Bộ Công Thương cho hay, theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, kỳ điều hành lần này thuế bảo vệ môi trường đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm từ 700 - 2.000 đồng/lít/kg tùy loại (trong đó xăng E5RON92 giảm 1.900 đồng/lít, xăng RON95 giảm 2.000 đồng/lít, dầu diesel và dầu mazut giảm 1.000 đồng/lít/kg, dầu hỏa giảm 700 đồng/lít), nhưng do giá xăng dầu thế giới, nhất là giá các loại dầu có mức tăng cao nên Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã phải sử dụng kết hợp công cụ Quỹ BOG xăng dầu ở mức hợp lý (điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu) để giảm giá xăng và hạn chế mức tăng của giá dầu so với mức tăng của giá thế giới.

"Nếu thuế bảo vệ môi trường như mức cũ, giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành này sẽ tăng từ 1.069 - 2.789 đồng/lít/kg (cụ thể xăng E5RON92 tăng 1.069 đồng/lít, xăng RON95 tăng 1.161 đồng/lít, dầu diesel tăng 2.547 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.789 đồng/lít, dầu mazut tăng 1.606 đồng/lít)", Bộ Công Thương nêu rõ.

Có thể bạn quan tâm