Tham dự chương trình có ông Mai Xuân Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ & Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang, Trưởng ban Xúc tiến đầu tư ĐH Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Trần Thị An, Giảng viên cao cấp Khoa Công nghệ văn hóa và di sản Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật – ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội; diễn giả Vũ Thị Dung, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Gen AI… cùng đông đảo các doanh nhân thuộc hai Hiệp hội VACOD-HBA.
ĐƯA “CÁCH MẠNG AI” ĐẾN GẦN HƠN VỚI CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP
Tại chương trình “Bữa sáng Doanh nhân” diễn ra ngày 14/9 do bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch thường trực VACOD và bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hà Nội – HBA chủ trì, toàn thể khách mời, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp và tập thể lãnh đạo, nhân viên hai Hiệp hội VACOD – HBA tham dự đã bày tỏ sự đồng cảm trước những mất mát, đau thương mà người dân các tỉnh thành miền Bắc phải gánh chịu trong siêu bão Yagi và thực trạng mưa lũ tàn phá nghiêm trọng gần đây.
Chia sẻ với người dân bị thiệt hại do bão lũ, mới đây lãnh đạo hai Hiệp hội VACOD - HBA đã chung tay góp sức cùng Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai ủng hộ người dân bị thiệt hại tỉnh Lào Cai. TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD – HBA; bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch thường trực VACOD là những người đầu tiên chuyển tiền ủng hộ tới Hội Doanh nhân trẻ Lào Cai và nghĩa cử này được các doanh nhân Hội viên trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành, Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ VACOD... nhanh chóng hưởng ứng.
Tại chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 14/9, nhằm đẩy mạnh việc tạo không gian giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật và ứng dụng những công nghệ mới nhất vào hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, diễn giả Vũ Thị Dung đã mang đến buổi toạ đàm một chủ đề đầy mới mẻ và hấp dẫn với các doanh nghiệp - Talkshow "AI công cụ hỗ trợ kinh doanh sáng tạo".
Với sự nhiệt huyết và hiểu biết sâu sắc, bà Dung đã trình bày rõ ràng và dễ hiểu về cách mà trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cuộc sống và ngày càng trở thành một công cụ quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả và sự sáng tạo trong kinh doanh. Bà Dung khẳng định, sự xuất hiện của AI hiện nay cũng tương tự sự xuất hiện của Internet trước đây, sẽ mang lại những thay đổi to lớn, mạnh mẽ và sâu sắc chưa từng thấy đối với thế giới. Bà Dung quả quyết: “Ngày nay cuộc sống hàng ngày của chúng ta không thể thiếu internet và tương lai với AI cũng thế”. Hiện nay, AI đang là chủ đề nóng xuất hiện trong các hội thảo, bài viết của các giáo sư hàng đầu thế giới, những doanh nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới hầu như đều tham gia đầu tư vào AI, trong đó có nhiều tỷ phú… đều đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này.
AI cũng được lãnh đạo các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam nhận định sẽ tạo ra điểm bứt phá trong tương lai đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Nói thêm về tính năng của AI, bà Dung lấy dẫn chứng thêm về hoạt động của các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng xã hội hiện nay. Phần lớn giới trẻ vốn nhanh nhạy và năng động đã và đang sử dụng AI như một công cụ hữu hiệu để thực hiện những ý tưởng sáng tạo. Nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của AI, hiện nay, một chuyên viên truyền thông có thể cùng lúc làm việc cho hàng chục công ty, phát triển những ý tưởng truyền thông chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, điều mà trước đây hoàn toàn không khả thi. Bên cạnh đó, AI ngày nay cũng đã tác động vào hầu hết các ngành nghề.
Theo bà Dung, kể từ năm 2023, AI đã trở thành một khái niệm phổ biến và nhận được sự quan tâm từ người dùng trên toàn thế giới với sự ra mắt đầy ấn tượng của Chat GPT. Cảm nhận được cơ hội đặc biệt để hiện thực hóa ước mơ xây dựng một sản phẩm AI mang đậm tinh thần và bản sắc Việt Nam, nữ doanh nhân đã cùng các cộng sự ấp ủ và xây dựng thành công một công cụ trí tuệ nhân tạo của người Việt mang tên Aidu. Aidu ra đời như một giải pháp công nghệ tiên tiến, giúp người dùng Việt Nam tiếp cận và áp dụng AI một cách hiệu quả và tiện lợi nhất.
Đối với hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, bà Dung khẳng định sản phẩm trí tuệ nhân tạo có thể len lỏi vào từng khâu của hoạt động sản xuất. AI và cụ thể là Aidu có thể phân tích dữ liệu giúp doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh; Tự động hóa công việc quản trị, AI sẽ giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, từ dự báo nhu cầu sản phẩm, quản lý kho hàng cho đến điều phối logistics, giúp tiết kiệm chi phí và giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, dưới sự hỗ trợ của AI, doanh nghiệp cũng có thể nghiên cứu phát triển sản phẩm, phân tích thị trường dựa trên nhu cầu của khách hàng. Điển hình như Aidu cũng có thể giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lực kinh doanh, kế hoạch marketing trên các nền tảng xã hội theo một chuỗi các sự kiện cụ thể.
AI không chỉ giúp tối ưu hóa các quy trình kinh doanh mà còn mở ra nhiều cơ hội mới trong việc sáng tạo sản phẩm, tiếp cận khách hàng và phát triển thị trường. Khi được áp dụng đúng cách, AI có thể trở thành một trong những yếu tố quyết định sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thời đại công nghệ.
Ngay tại cuộc toạ đàm, các khách mời và doanh nghiệp đã được trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận các tính năng ưu việt của AI. Aidu là một nền tảng AI đa năng, được thiết kế để hỗ trợ nhiều khía cạnh khác nhau trong hoạt động doanh nghiệp bao gồm dữ liệu phân tích, quản lý khách hàng, và tự động hóa quy trình. Nội dung talkshow không chỉ đơn thuần là thuyết giảng mà còn bao gồm nhiều minh chứng cụ thể từ thực tế, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hình dung và áp dụng.
Nhiều doanh nghiệp tham dự đã bày tỏ sự hứng thú và nhận thấy nhiều giá trị thiết thực từ những kiến thức được chia sẻ. Ví dụ, đại diện một số doanh nghiệp tham gia chương trình đã tự mình trải nghiệm phương pháp làm việc của Aidu. Chỉ trong chưa đầy 30 giây, với những thông tin gợi ý mang tính “ra đề”, AI đã viết ra nội dung truyền thông quảng cáo cho thương hiệu quả vải thiều không hạt của Tập đoàn Hồ Gươm hay giới thiệu sản phẩm Rượu sâm Ngọc Linh Nghị Gia… khiến lãnh đạo các doanh nghiệp không khỏi trầm trồ, thán phục.
Không khí sôi nổi, hứng khởi nhờ màn trình diễn AI đã thực sự khuấy động chương trình “Bữa sáng Doanh nhân” khi các khách mời được trải nghiệm thực tế Aidu. Hầu hết mọi người đều phản hồi tích cực và bày tỏ sự ấn tượng về tốc độ và độ chính xác của phân tích dữ liệu, khả năng cá nhân hóa dịch vụ khách hàng, và tiềm năng tự động hóa quy trình kinh doanh. Điều này chứng minh sức hút và tiềm năng to lớn của công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Kết thúc buổi toạ đàm, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự mong muốn được tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu hơn về AI và kết hợp với GenAI để có thể áp dụng thực tế vào hoạt động kinh doanh của mình. Đây thực sự là một chỉ dấu tích cực cho sự tiến bộ và thích nghi của các doanh nghiệp trong thời đại số hóa.
Chia sẻ thêm về quan điểm, hiện nay bên cạnh những người quan tâm và sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực thì vẫn có nhiều ý kiến cho rằng trong tương lai, trên thị trường lao động nhiều nhân sự sẽ mất việc vì sự “xâm chiếm” của trí tuệ nhân tạo, bà Vũ Thị Dung cho biết, đây là vấn đề nhiều người quan tâm thậm chí có cả các tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước. "Nhưng ở giai đoạn hiện tại các chuyên gia khoa học khẳng định AI chưa thể thay thế con người, nhưng có một điều chắc chắn rằng, những người không có kiến thức, kỹ năng về AI sẽ bị thay thế bởi những người có kiến thức về AI vì nhờ có công cụ hỗ trợ, họ sẽ làm việc nhanh và hiệu quả hơn", nhà sáng lập GenAI khẳng định.
DOANH NGHIỆP THÊM TỰ TIN VỚI CÔNG NGHỆ AI
Phát biểu tại chương trình, bà Ninh Thị Ty bày tỏ sự hứng khởi sau khi nghe diễn giả Vũ Thị Dung trình bày về AI một cách thiết thực. Một nội dung về công nghệ nhưng không hề khô khan mà nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các khách mời và doanh nghiệp.
Lãnh đạo Tập đoàn Hồ Gươm bộc bạch, trong quá trình điều hành công việc, bà thường xuyên cần phải viết và thuyết trình nhiều nội dung. Chính việc các cộng sự trẻ tuổi sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo khiến bà thấy được tầm quan trọng của công cụ này, nhưng bản thân lại chưa nghĩ đến việc có thể sử dụng thành thạo AI. Bà Ty hồ hởi nói: “Qua buổi toạ đàm hôm nay, tôi thấy việc sử dụng công nghệ AI hoàn toàn không có gì phức tạp, mọi lứa tuổi, người hoạt động trên mọi lĩnh vực đều có thể khai thác tiềm năng của AI. Bây giờ thì tôi tự tin rồi”.
Bà Ty kỳ vọng nội dung buổi trò chuyện sẽ thổi một luồng gió mới vào tất cả các doanh nghiệp hội viên của hai Hiệp hội. Bà cho rằng, trước sự phát triển không ngừng của công nghệ, chính các doanh nghiệp phải liên tục “startup” để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Luồng sinh khí từ các doanh nghiệp trẻ như GenAI sẽ góp phần sớm hoàn thành những mục tiêu kinh tế của Đảng và Nhà nước đã đề ra. “Nội dung chia sẻ của diễn giả Vũ Thị Dung rất thiết thực và cụ thể với doanh nghiệp. Hy vọng các doanh nghiệp cân nhắc, sớm sử dụng AI như một công cụ hữu hiệu”, bà Ty bày tỏ.
Về phần mình, PGS.TS Vũ Văn Tích đánh giá chương trình“Bữa sáng Doanh nhân”là hoạt động hữu ích không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với những người hoạt động khoa học. Ông Tích khẳng định, trong thời gian tới khi các doanh nghiệp hội viên của hai Hiệp hội cần hỗ trợ dưới góc độ khoa học, công nghệ hoặc tư vấn cơ chế, chính sách thì bản thân ông và các chuyên gia, các nhà khoa học rất sẵn sàng vì mục tiêu phát triển của cả hai Hiệp hội nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Đồng thời cũng nhằm nâng cao sự cạnh tranh về mặt khoa học công nghệ, vì sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của đất nước.
“Tôi cũng hy vọng trong tương lai, AI sẽ đi vào giáo dục, đi vào hoạt động của doanh nghiệp…Ngược lại, từ phía đơn vị quản trị sản phẩm AI như GenAI cũng nên có động thái ủng hộ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ bằng cách đưa ra mức chi phí phù hợp. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể ứng dụng thành công AI vào hầu hết các khâu hoạt động của doanh nghiệp”, PGS.TS Vũ Văn Tích nêu quan điểm dưới góc nhìn của một nhà khoa học.
Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Vũ Văn Tích, PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang nhìn nhận đặc thù hoạt động của hiệp hội doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh nên các nhà khoa học luôn sẵn lòng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Sự gắn kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp cần tiếp tục được đẩy mạnh và phát triển, nhằm tạo ra những giá trị thiết thực và bền vững cho cộng đồng. Đây cũng chính là sứ mệnh và tầm nhìn mà các nhà khoa học muốn chuyển tải và thực hiện.
Phát biểu kết thúc chương trình, Phó Chủ tịch thường trực VACOD Nguyễn Thị Thu Thủy cảm ơn diễn giả Vũ Thị Dung với những chia sẻ kiến thức mới về AI, cũng như những ứng dụng thiết thực của nó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bà Thuỷ nhấn mạnh sự hiểu biết về AI không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển mới. Bà mong muốn GenAI và các doanh nghiệp thuộc hai Hiệp hội sẽ có những sự hợp tác tích cực để đạt hiệu quả cao trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch thường trực VACOD cũng đề xuất lãnh đạo GenAI cần xây dựng những gói dịch vụ sử dụng sản phẩm Aidu phù hợp cho từng đối tượng doanh nghiệp. Bà Thủy gợi ý GenAI có thể phân loại doanh nghiệp một cách cụ thể hơn theo ngành nghề hoạt động, quy mô doanh nghiệp… nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác với doanh nghiệp. Đây cũng là tiền đề để các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ của hai Hiệp hội có thể tiếp cận công nghệ AI một cách tự tin nhất. Đồng thời GenAI cũng sẽ có nhiều cơ hội hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp hơn nữa.
Một số hình ảnh ghi nhận tại chương trình: