Lễ hội cúng rừng hay còn gọi là “Tết rừng” của đồng bào dân tộc Mông Nà Hẩu được mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ được diễn ra ở cửa rừng, dưới gốc cây cổ thụ. Lễ vật để dâng cúng Thần rừng gồm một cặp gà trống - mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản. Đến giờ lành, Thầy cúng của bản kính cẩn dâng hương, gõ mõ bốn phương, 8 hướng và khấn mời Thần rừng về hưởng lễ vật, phù hộ, che chở, ban lộc rừng cho người dân trong xã; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu… Sau đó, thầy cúng sẽ thực hiện các nghi lễ khác lên gốc cây cổ thụ... Ông Giàng Chẩn Dìn - Già làng có uy tín xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên cho hay: “Cứ đến tết rừng là chúng tôi rất phấn khởi, chờ đợi đến ngày tết rừng để bà con nhân dân mong cầu những điều may mắn trong năm mới, mưa thuận gió hòa, năm mới có sức khỏe mới, làm gì cũng yên tâm, không ốm đau. Đây là truyền thống lâu đời của người Mông.”
Tín ngưỡng thờ Thần rừng của đồng bào Mông đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ở tất cả các thôn bản của xã Nà Hẩu đều có một khu rừng cấm - rừng thiêng nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng Thần rừng với những quy định “bất khả xâm phạm”. Cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch hàng năm, các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu “rừng cấm, rừng thiêng” của thôn để cùng tổ chức “lễ cúng Thần rừng”. Dù đời sống ngày càng hiện đại và có nhiều đổi thay nhưng nhiều năm nay, người Mông Nà Hẩu vẫn duy trì tục lệ tốt đẹp này bởi những ý nghĩa thiêng liêng của nó. Thầy cúng Tráng A Chơ, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên nói: “Cúng rừng đã có từ xa xưa, năm nao cũng phải làm, dân bản chuẩn bị lễ vật gồm có lợn, gà trống, gà mái, rượu, hương, hoa, quả, tiền, vàng để tạ ơn thần rừng đã phù hộ cho đồng bào đạt được những thành quản trong năm qua và cầu mong cho một năm mới may mắn, mưa thuân gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh.”
Sau lễ hội Tết rừng, theo tập tục của người Mông, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn thần Rừng. Cũng trong ba ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo… Để thực hiện tốt việc kiêng kị này, từ vài ngày trước, chị em phụ nữ ở các gia đình phải xay ngô, giã gạo, lấy rau, lấy củi, gói bánh chưng, giã bánh dày, chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm cho người và vật nuôi. Đây cũng là dịp để đồng bào Mông Nà Hẩu ăn tết Rừng, đi chơi nhà thăm hỏi lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết, chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động mới với niềm tin về những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người, mọi nhà. Anh Giàng A Kỳ - thôn Bản Tát, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên chia sẻ: “Người Mông chúng tôi năm mới đi thăm nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Đầu xuân, dân bản cũng tìm những chỗ cảnh đẹp để hát giao duyên, hát đối, cùng nhau trao đổi công việc, mệt mỏi của năm cũ, đồng thời chúc cho nhau những lời tốt đẹp, động viên nhau đi làm ăn phát đạt, thu nhiều kết quả mới.”
Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu không chỉ là một nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, góp phần bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng các dân tộc mà còn góp phần thiết thực vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn sự đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu nói riêng và trên địa bàn huyện Văn Yên nói chung. Đây cũng là dịp để xã Nà Hẩu quảng bá, phát triển du lịch cộng đồng, từng bước thu hút khách du lịch đến thăm quan rừng sinh thái, khám phá sự kỳ thú của các thác nước và hang động, thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của đồng bào Mông, từ đó tạo điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.