"Đôi mắt" làng Xuân

Ngày xưa, lúc còn thơ ấu, tôi đã trộm nghe các cụ kể nhiều về cái cổng làng. Cổng làng trong tôi lúc đó là những mảnh ghép không hoàn chỉnh, nhạt nhoà, vỡ vụn, có khi còn nhạt nhoà hơn cả làn khói trà nóng bên các cụ khi đàm đạo.

Vậy mà, cho đến giờ, khi tóc đã phai sương, tôi vẫn đau đáu về những câu chuyện tưởng chỉ là câu chuyện hóng hớt trẻ con đó. Chính vì thế nên dù đi đâu, dù bận bịu đến mấy tôi cũng phải tranh thủ dừng lại mà ngắm nghía, mà suy ngẫm về kiến trúc của nhiều cổng làng ở nhiều thôn quê khác nhau vùng đồng bằng Bắc bộ - như thể cố tìm lại Cổng làng Xuân trong kí ức tuổi thơ mình.

Cổng làng Xuân Nẻo
Cổng làng Xuân Nẻo

Hơn trăm năm có lẻ, có thể thời gian còn nhiều hơn nữa, quê tôi không có cổng làng. Đình, chùa, miếu, mạo ngày ấy của làng tôi nổi tiếng vùng đồng chua nước mặn, vùng chiêm trũng mang tên làng Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ kỳ, tỉnh Hải Dương. Biến cố xảy ra khi "Cuộc cách mạng văn hoá vĩ đại" đầu thập niên 60 đã phá huỷ tất cả những công trình văn hoá mang đậm bản sắc hồn quê. Nỗi đau thắt lòng của người thôn dã hiền lành bao đời, bao kiếp chắt chiu từng pho tượng, từng mảnh gỗ quý với bàn tay khéo léo, đêm ngày dồn tâm lực tạo nên. Rồi chính bàn tay ấy của họ phải đập phá, băm chặt, thả trôi, đốt cháy đi công sức của dân làng. Nỗi đau nuốt ngược, chìm sâu, chôn chặt vào ký ức. Thay vào đó là những nụ cười gượng gạo làm vui, lừa mình, lừa người để tránh tai bay, vạ gió. Tôi tin những tháng năm ấy không phôi phai, không nhạt nhoà trong tâm hồn những người già cả, những người gần đất xa trời - còn sót lại.

Cái gì đã trở thành mạch sống, trở thành lẽ sống, trở thành hơi thở của người dân, dù có phải trải qua thăng trầm, qua biến cố khắc nghiệt của giai đoạn lịch sử, mặc dù đã bị tàn phá, huỷ diệt nhưng đó là nét đẹp, là văn hoá bản sắc, là ước vọng và mong muốn của người dân thì nó sẽ tồn tại. Nó có thể chỉ trong tâm tưởng nhưng khi có cơ hội, nó sẽ sống dậy, bừng cháy, trở thành hiện thực.

Năm 2007 đình làng tôi được khởi công xây dựng lại trên nền đất cũ và được khánh thành cuối năm 2008. Ngày xưa, ngôi đình ấy có hồ nước lớn trong vắt trước mặt, có hồ nhỏ phía sau, giữa hồ nhỏ có gò đất cao nổi lên như cây bút được gọi là bút “Văn Chỉ” - biểu tượng của sự hiếu học, cũng là khuyến khích con cháu trong làng muốn công thành, danh toại phải biết con chữ, biết học điều hay lẽ phải. Phía xa khoảng 350 mét là chùa Liên Hoa nằm yên bình dưới những tán cây cổ thụ. Tất cả từ đình, chùa cho đến tháp bút của làng đều gắn liền sự tích oai hùng và linh thiêng được vạn dân trong làng, ngoài xã ngưỡng vọng.

Nhưng chùa đã bị phá để làm chuồng lợn của hợp tác xã, hồ và tháp bút văn chỉ bị lấp đầy làm sân phơi lúa. Còn đâu những ngày xưa thơ mộng, còn đâu tiếng chuông chùa vang vọng mỗi khi tuần rằm, mồng một hàng tháng, hàng năm. Nếu muốn tìm lại năm tháng yên bình, ta phải bắt tay làm lại từ đầu, bằng công sức, tiền của của nhân dân. Nhưng đã hơn 60 năm qua đi, tất cả chỉ còn lại phế tích, còn lại dư âm ngày ấy.

May lắm thay! Vết thương trong tim đã được hàn gắn. Đình làng đã xây lại sau hơn nửa thế kỷ bằng tâm huyết và tiền bạc của bà con trong làng cũng như của bà con xa xứ gom góp. Đình làng, nơi đó trở thành linh thiêng, trở thành điểm đến của bà con mỗi khi trong làng có công, có việc. Phong tục cổ xưa được phôi diễn kết nối hiện tại, quá khứ và tương lai. Nơi ấy cho cụ già hàn huyên, cho trẻ nhỏ tung tăng vui đùa trong sân đình mỗi buổi sáng khi mặt trời ló rạng, và chiều về khi những tia nắng vàng hanh hao chìm dần phía tây sau mái đình.

Cổng làng thể hiện cho một nếp làng bề thế, thể hiện cả cốt cách của ngôi làng, của những người dân trong làng
Cổng làng thể hiện cho một nếp làng bề thế, thể hiện cả cốt cách của ngôi làng, của những người dân trong làng

Những ngày cuối năm Kỷ Hợi (2019), làng tôi đã có cổng làng theo đúng nghĩa. Ngày xưa cổng làng xây dựng với tư duy như "biên giới" của mỗi làng, như nơi "phòng thủ" khi hữu sự. Ngày nay cổng làng tôi mang nét đẹp của kiến trúc cổ bao gồm tất cả: biên giới, phòng thủ, văn hoá, bản sắc, hơi thở hồn quê.... Bản vẽ thiết kế do chính người kiến trúc sư tuổi ngoài thất thập của làng tôi phụ trách. Ông vẽ trên giấy kẻ ca rô, vẽ bằng bút chì, tính toán bằng tay... không có bất cứ gì liên quan đến công nghệ thời hiện đại nhưng lại là một tuyệt tác kiến trúc hoàn hảo mà lâu lắm rồi tôi mới được mắt nhìn, tay cầm và nâng niu nó.

Cánh thợ xây cất cổng làng cũng do người trong làng đứng ra nhận thầu. Nhóm thợ vừa là những người có tuổi khéo léo về tay nghề, là những thanh niên vạm vỡ đều mang một tâm huyết làm sao cho xây cổng làng thật đẹp. Thế nên mỗi viên gạch đều được họ chọn lựa kỹ lưỡng, hay mỗi đường xây đều được họ làm với tâm thế thật tỉ mẫn, cẩn thận.

Chốt mở cuối cùng là người tài trợ cho công trình này, nghe nói ông là người làng, người quê, phiêu bạt tứ xứ giang hồ, buôn xa, bán gần... Tuy không giàu có như người, nhưng ông đã bỏ tiền tài trợ toàn bộ cho việc xây cổng làng.

Thế mới thấy, tất cả từ ông kiến trúc sư già tuổi đến cánh thợ xây trẻ trung hay cả những khoản tiền tài trợ… đều là người trong làng phụ trách. Không ai muốn cái cổng đại diện cho hồn cốt của làng ấy có thêm bàn tay của người làng khác chạm vào bởi họ tự hào về ngôi làng của họ - Một làng trong ba làng (one in three) của xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ đã được 2 lần phong tặng Anh hùng, đã được 2 lần Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đến thăm. Một nơi có nhiều người có học hàm Tiến sỹ từ hồi còn chế độ phong kiến và sau này là CHXHCN Việt Nam.

Đây cũng là ngôi làng có nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có nhiều thương binh, liệt sỹ qua hai thời kỳ đánh Pháp và đánh Mỹ. Một làng có nghề truyền thống thêu ren nổi tiếng từ khi còn vua, chúa. Nơi đây cũng sản sinh biết bao nghệ nhân lừng danh với đôi tay vàng mang nghề thêu đi khắp nơi trong cả nước để truyền nghề. Làng tôi còn nổi tiếng xưa nay bởi có nhiều phụ nữ đẹp trong vùng. Thế nên có rất nhiều chàng rể hoà hoa, phong nhã dừng chân tìm ý trung nhân nơi đây. Có chàng là Giáo sư, Tiến sỹ, có chàng đã thành đạt đến chức Thượng thư, Phó Thượng thư của thời đại cách mạng công nghiệp, của trí tuệ nhân tạo, thời của ô tô, nhà lầu sang trọng. Tất cả là những câu chuyện không dài nhưng cũng đủ để viết một cuốn "Trường ca" về làng tôi, xã tôi… mảnh đất thuộc xứ Thành Đông nằm khép mình giữa các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.

Chỉ còn hơn tháng nữa năm Canh Tý sẽ qua đi, năm mới Tân Sửu đã bắt đầu rón rén gõ cửa từng nhà hay trên mỗi con ngõ, đường quê. Cổng làng quê tôi cũng đã chuẩn bị cờ, đèn, kèn, trống, giăng hoa kết lá để đón chào năm mới. Năm của hy vọng tốt lành cho vạn vật chúng sinh, cho bà con trong làng, ngoài xã, cho quốc thái, dân an. Xin cám ơn người kiến trúc sư tuổi cao nhưng với tấm lòng yêu quê đã vẽ lên cái cổng làng thật đẹp. Cám ơn những người thợ đã vất vả hơn 180 ngày để hoàn thành tác phẩm này. Cám ơn chính quyền địa phương, ban quản lý thôn và bà con trong làng đã chung sức, chung lòng để hôm nay và mãi sau, trăm năm hay ngàn năm sau "Cổng làng Xuân" vẫn sừng sững đứng đó để chứng kiến, đón chào hàng triệu lượt người đến và cung chúc lời bình an khi đi qua nơi này.

Một lời tri ân gửi đến nhà tài trợ, mong rằng làng tôi, quê tôi có thêm nhiều nhà tài trợ, nhiều mạnh thường quân góp sức, chung tay xây dựng quê hương vì cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng.

Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc

Có thể bạn quan tâm