Phó Thủ tướng đánh giá tuyến vận tải này có vai trò rất quan trọng với sự phát triển kinh tế của đất nước; kết nối trung tâm chính trị Hà Nội và trung tâm kinh tế TP HCM. Dự án đi qua 32 tỉnh thành và 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam, đồng bằng sông Cửu Long.
Để đảm bảo hoàn thành công trình vào năm 2021, Phó thủ tướng yêu cầu các đơn vị hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Trong đó, khâu giải phóng mặt bằng được Chính phủ xác định là "nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định tiến độ dự án".
Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm kiểm tra và chỉ đạo chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cung cấp tài liệu, tiến độ dự án và kế hoạch phân bổ vốn cho công tác giải phóng mặt bằng. Bộ triển khai ngay việc cắm mốc để giải phóng mặt bằng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, hoàn thành vào cuối quý I, đầu quý II.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Bộ Giao thông và các địa phương phải công khai phương án chi tiết giải phóng mặt bằng, đảm bảo minh bạch thông tin.
Các địa phương nơi có dự án đi qua "phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để sớm bàn giao mặt bằng, phục vụ thi công, không để xảy ra điểm nóng". Chủ tịch các tỉnh trực tiếp chỉ đạo chủ đầu tư có chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh khẩn trương xây dựng khu tái định cư cho người dân và di dời các công trình công cộng nằm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam dự kiến đi qua.
Chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2017 - 2020) được Quốc hội thông qua cuối năm 2017. Giai đoạn đầu có 11 dự án được triển khai với tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành. Trong đó, 3 dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, 8 dự án theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.