Đồng Nai xem xét bổ sung mục đích đầu tư khác trên đất nông nghiệp của Công ty Mía đường La Ngà

UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở ngành liên quan rà soát lại cụ thể nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng đất, mục đích sử dụng đất… để xem xét bổ sung mục đích đầu tư khác trên đất nông nghiệp (đất trồng mía) của Công ty CP Mía đường La Ngà.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, Công ty CP Mía đường La Ngà được giao đất để trồng mía để đáp ứng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy đường nhưng việc canh tác trồng mía hiện nay đang mang lại hiệu quả kinh tế thấp, người dân dần loại bỏ cây mía chuyển qua trồng cây khác hiệu quả hơn.

Do đó, để nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực việc đề xuất bổ sung mục đích đầu tư khác trên đất nông nghiệp (đất trồng mía) là có cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu Công ty CP Mía đường La Ngà báo cáo rõ nguồn gốc đất, hiện trạng sử dụng đất trên diện tích được giao trồng mía, gồm: Diện tích đất đang sử dụng không tranh chấp, diện tích đang bị lấn, chiếm, tranh chấp đất đai với người dân.

Đồng thời, đề xuất cụ thể khu vực tiếp tục trồng mía, vườn ươm, chuyển đổi cây trồng khác, khu vực chuyển đổi chăn nuôi, safari, khu vực chuyển đổi sang đất thương mại, du lịch, dân cư và hạ tầng kĩ thuật, giao thông… Dự toán sơ bộ kinh phí đầu tư và nguồn kinh phí thực hiện, hình thức đầu tư và tiến độ thực hiện dự án theo định hướng quy hoạch.

Bên cạnh đó, Công ty CP Mía đường La Ngà cần phải có phương án thanh lý hợp đồng giao khoán, chuyển đổi nghề, hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân đang ký hợp đồng giao khoán trồng mía với công ty đảm bảo không phát sinh điểm nóng về khiếu nại khi triển khai thực hiện dự án.

“Trong tháng 3/2022, công ty phải gửi kết quả thực hiện cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, định hướng chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trồng mía. Đồng thời, thực hiện rà soát quỹ đất, lập phương án sử dụng đất theo Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT, báo cáo, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chỉ đạo.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, cùng các đơn vị liên quan rà soát cụ thể nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông nghiệp, mục đích sử dụng theo phương án cổ phần hoá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định pháp luật liên quan, nhất là quy định đấu giá, thống nhất ý kiến, tham mưu đề xuất, trình UBND tỉnh xử lý đề nghị của doanh nghiệp theo quy định.

Xem thêm

Làm gì để chặn tình trạng đấu giá đất bỏ cọc?

Làm gì để chặn tình trạng đấu giá đất bỏ cọc?

Trước tình trạng đấu giá đất xong bỏ cọc của nhiều tổ chức, cá nhân diễn ra trên cả nước, cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...