Động thái lạ của Tập đoàn cao su

Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (mã: GVR) vừa phê duyệt phương án thoái vốn tại một số công ty con. Thoái vốn là chuyện bình thường nhưng điểm đáng lưu ý lại nằm tại mức giá chào bán mà Tập đoàn này đưa ra.
Động thái lạ của Tập đoàn cao su

Theo đó, GVR quyết định thoái sạch vốn tại CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã: SIP). Tổng số cổ phần chào bán gần 11 triệu cổ phần.

Theo kế hoạch, Tập đoàn sẽ chào bán đợt 1 là hơn 9 triệu cổ phần, số lượng cổ phiếu thưởng hơn 1,4 triệu đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện chào bán khi hoàn thành việc thẩm định giá, phê duyệt giá khởi điểm để chào bán theo quy định.

Phương thức thực hiện là khớp lệnh hoặc giao dịch thỏa thuận trên sàn chứng khoán. Trong đó, mức giá khởi điểm cho đợt chào bán lần 1 là 97.500 đồng/cp, tương ứng số tiền Tập đoàn thu về khoảng 916,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SIP đang tăng khá mạnh, hiện giao dịch ở mức 146.000 đồng/cp, tương đương tăng 82% chỉ sau 1 tháng và tăng hơn 2 lần từ tháng 8/2020.

Như vậy, mức giá khởi điểm cho số cổ phần thoái vốn của Tập đoàn cao su đang thấp hơn tới gần 50% so với giá thị trường của cổ phiếu SIP. Nếu dựa theo giá thị trường, Tập đoàn cao su có thể thu về tới hơn 1.300 tỷ đồng cho đợt thoái vốn lần 1 thay vì chỉ hơn 900 tỷ đồng như dự kiến ở trên.

Được biết, ngày 2/12 tới đây SIP sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2020 bằng tiền tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.000 đồng. Thời gian thanh toán vào 15/12/2020. Với hơn 79,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, SIP sẽ chi khoảng 79,4 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.

Theo cơ cấu cổ đông lớn SIP, hiện CTCP Đầu tư và Phát triển Đô Thị An Lộc là cổ đông lớn nhất sở hữu 16,27% vốn; tiếp đến là Chủ tịch HĐQT Trần Mạnh Hùng, GVR, CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (công ty con của GVR), Tổng giám đốc Lư Thanh Nhã…

Về kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2020 Đầu tư Sài Gòn GVR ghi nhận doanh thu đạt 3.417 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 676 tỷ đồng, tăng trưởng 62,5% so với 9 tháng đầu năm ngoái và vượt đến 181% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Trong đó đáng chú ý, riêng doanh thu tài chính đã mang về 402 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ.

Không chỉ bán cổ phần SIP, mới đây, Tập đoàn cao su cũng vừa công bố quyết định về việc phê duyệt giá khởi điểm thoái vốn đầu tư tại CTCP Phát triển đô thị và khu công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) là 20.800 đồng/cp. Với số lượng chào bán hơn 15 triệu cổ phần, tổng số Tập đoàn thu về khoảng 320 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại thương vụ này, mức giá khởi điểm mà GVR đưa ra cho mỗi cổ phần VRG cũng đang thấp hơn giá thị trường tới 6.200 đồng/cp.

Hơn nữa, SIP và VRG còn đang là những cái tên khá “hot” trên thị trường chứng khoán, nhận được sự săn đón của các nhà đầu tư.

Điều này đi ngược lại với xu hướng thoái vốn của nhiều đơn vị sở hữu vốn Nhà nước trong thời gian gần đây khi thường đưa ra mức giá khởi điểm cao hơn so với giá thị trường.

Có thể kể đến như đợt đấu giá lô cổ phần Thiết bị điện Đông Anh của EVN. Cụ thể, EVN đưa hơn 13,1 triệu cổ phiếu TBD ra đấu giá với mức giá khởi điểm là 153.100 đồng/cp, trong khi giá thị trường của TBD thời điểm đó đang ở mức dưới 90.000 đồng/cp.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm