Kết thúc phiên 11/10, chỉ số Dow Jones tăng 409,74 điểm (+0,97%) lên 42.863,86 điểm, S&P 500 thêm 34,98 điểm (+0,61%) thành 5.815,03 điểm và chỉ số Nasdaq Composite leo 60,89 điểm (+0,33%) đạt 18.342,94 điểm.
Trong tuần, S&P 500 tăng 1,1%, Dow Jones tăng 1,2% và Nasdaq tăng 1,1%, đánh dấu tuần tăng thứ năm liên tiếp của cả ba chỉ số.
Mùa báo cáo thu nhập quý 3 đã chính thức bắt đầu, được “mở màn” bởi các doanh nghiệp tài chính. Cổ phiếu JPMorgan Chase chốt phiên tăng 4,4% sau khi ngân hàng báo cáo lợi nhuận quý 3 vượt kỳ vọng và nâng dự báo thu nhập lãi suất hàng năm.
Wells Fargo leo 5,6% nhờ lợi nhuận vượt dự đoán của các nhà phân tích. BlackRock cũng thêm 3,6% khi công ty quản lý tài sản báo cáo tổng tài sản quản lý đạt mức cao kỷ lục trong ba quý liên tiếp. Các cổ phiếu khác trong ngành cũng tăng mạnh.
Chỉ số tài chính của S&P 500 tăng 4,2%, mức cao nhất kể từ tháng 2/2022 và trở thành động lực lớn nhất cho chỉ số chuẩn. Chỉ số ngân hàng khu vực KBW leo 3,4%.
Evan Brown, Giám đốc danh mục đầu tư và Trưởng chiến lược đa tài sản của UBS Asset Management nhận định: “Đây là một khởi đầu tốt cho mùa báo cáo thu nhập. Khi ngành tài chính hoạt động tốt, đây chính là tín hiệu của một cuộc hạ cánh mềm”.
Ngược lại, chỉ số hàng tiêu dùng không thiết yếu thuộc S&P lại chịu áp lực từ việc cổ phiếu Tesla giảm 8,8% sau khi hãng xe điện công bố về dòng xe robotaxi nhưng không cung cấp chi tiết tốc độ sản xuất hay biện pháp ứng phó với các rào cản pháp lý tiềm năng.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,27 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,06 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.
Trong ngày, dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy Chỉ số Giá sản xuất (PPI) không thay đổi trong tháng 9. Trước đó, các nhà kinh tế dự đoán mức tăng 0,1%.
“Thị trường đang tự tin hơn về nền kinh tế. Dù báo cáo CPI hôm 10/10 có cao hơn một chút so với dự kiến nhưng vẫn ở mức ổn định. Lạm phát chắc chắn đã hạ nhiệt và đó là dấu hiệu tích cực mà giới đầu tư chú ý đến”, Scott Wren, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Wells Fargo Investment Institute nhấn mạnh.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường hiện giữ nguyên mức đặt cược 88% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm và 12% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11.
GIÁ DẦU TIẾP ĐÀ ĐI XUỐNG
Trên thị trường năng lượng, giá dầu chốt phiên thấp hơn vào thứ Sáu nhưng tăng tuần thứ hai liên tiếp khi các nhà đầu tư cân nhắc các yếu tố bên ngoài như gián đoạn cung ứng có thể xảy ra ở Trung Đông và tác động của cơn bão Milton đến nhu cầu nhiên liệu ở Florida (Mỹ).
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 36 cent, tương đương 0,45%, xuống còn 79,04 USD/thùng. Dầu thô WTI giảm 29 cent, tương đương 0,38%, xuống còn 75,56 USD/thùng. Tuy nhiên, cả hai đều tăng hơn 1% trong tuần.
Các nhà quản lý quỹ đã tăng vị thế mua ròng của họ đối với dầu Brent thêm 123.226 lên 165.008 hợp đồng trong tuần tính đến ngày 8/10, theo Sở giao dịch Liên lục địa ICE.
"Thị trường vẫn có thể cảm nhận được căng thẳng tại Trung Đông. Nếu Israel phá hủy cơ sở hạ tầng dầu khí của Iran, giá dầu chắc chắn sẽ leo cao”, Tim Snyder, nhà kinh tế trưởng tại Matador Economics cho biết trong một ghi chú hôm thứ Sáu.
Tại quốc gia tiêu thụ nhiên liệu nhiều nhất thế giới, tình trạng thiếu xăng đã gây ảnh hưởng đến bang Florida (Mỹ) vào đầu tuần khi người dân tích trữ nhiên liệu trước siêu bão Milton, với gần 1/4 trong số 7.912 trạm xăng ở Florida đã hết xăng vào sáng thứ Tư. Florida là bang tiêu thụ xăng lớn thứ ba ở Mỹ, nhưng không có nhà máy lọc dầu nào, khiến bang này phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu qua đường biển.