Dự án Tokyo bị siết nợ: PVcombank cam kết hỗ trợ người mua nhà

Tại cuộc gặp mặt cư dân dự án Tokyo Tower chiều 8/10, PVcombank cho biết sẽ có chính sách hỗ trợ đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà sau khi dự án này bị ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo.
Dự án Tokyo bị siết nợ: PVcombank cam kết hỗ trợ người mua nhà

PVcombank đối thoại với khách hàng mua nhà dự án Tokyo Tower 

Tài sản bị thu giữ là dự án Tokyo Tower (tên cũ là Hanoi Land Mark 51) có chiều cao 51 tầng, toạ lạc tại số 55 đường 430 (quận Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Đà 101 làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Vương là đơn vị phân phối dự án. Khởi công từ tháng 4/2015 cho đến nay, dự án này đã bị chậm tiến độ, lỡ hẹn bàn giao nhà cho khách hàng. Trong khi đó, dự án đã bán được hơn 360 trên tổng số 688 căn hộ.

Do hai công ty này vi phạm nghĩa vụ trả nợ vay nên PVcombank – ngân hàng bảo lãnh dự án đã thực hiện biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đến thời điểm thu hồi dự án, Công ty Thương Mại Hoàng Vương đang nợ ngân hàng PVcombank gần 114 tỷ đồng, bao gồm gần 92 tỷ dư nợ gốc và hơn 22 tỷ đồng dư nợ lãi. Trong khi đó Sông Đà 101 còn nợ ngân hàng gần 300 tỷ đồng.

Tại cuộc gặp chiều 8/10, nhiều cư dân Tokyo Tower hết sức lo lắng khi dự án bị siết nợ, bán đấu giá tài sản thì quyền lợi của khách hàng được đảm bảo ra sao? Vấn đề quan tâm nhất là đến khi nào khách hàng mới được nhận nhà?

Đại diện PVcombank cho biết, PVcombank đã tài trợ vốn và bảo lãnh dự án Tokyo Tower và hiện đang trong quá trình xử lý tài sản để thu hồi nợ theo đúng quy định của pháp luật. Ngân hàng chỉ tiến hành thu giữ đối với phần tài sản của ngân hàng, còn quyền và tài sản của người mua nhà đã ký với chủ đầu tư vẫn được bảo đảm nguyên vẹn. Khi ngân hàng làm việc với đối tác mới, chủ đầu tư mới sẽ đảm bảo vấn đề này.

“PVcomBank sẽ đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của người mua nhà. Theo đó, sau khi thu hồi tài sản, chúng tôi cần sự hợp tác từ các cá nhân và tổ chức đã mua tài sản đến PVcomBank làm việc để ngân hàng tiếp nhận thông tin đối chiếu công nợ. Đến thời điểm này, mới có 150 trong tổng số hơn 200 khách hàng mua nhà của dự án thực hiện đối chiếu với ngân hàng”, đại diện ngân hàng giải thích, cho biết sau khi thu giữ tài sản dự án Tokyo Tower, ngân hàng sẽ tiến hành lựa chọn đơn vị đủ năng lực triển khai dự án và đề nghị chủ đầu tư mới đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người mua nhà theo các hợp đồng đã ký. Khi chủ đầu tư mới chính thức tiếp quản và vận hành tiếp dự án, PVcomBank sẽ có thông báo cụ thể tới khách hàng tiến độ triển khai và thời điểm bàn giao.

Về công nợ của các nhà thầu, ngân hàng đã gửi văn bản cho các nhà thầu liên quan để xác định công nợ, và dự kiến tuần sau sẽ có con số cụ thể để triển khai.

Theo kế hoạch, sau khi chốt công nợ được 30 ngày, ngân hàng sẽ chọn đối tác. Kể từ thời điểm chọn được đối tác, cần khoảng 4-6 tháng để hoàn thiện. Như vậy tổng cộng sẽ mất khoảng 6-7 tháng để cư dân nhận được nhà.

Hiện công trình thi công dở dang cần khoảng 269 tỷ đồng, tức là sẽ phải bỏ ra khoảng 300 tỷ đồng để hoàn thiện dự án. Tuy nhiên, Sông Đà 101 đang nợ ngân hàng hơn 300 tỷ đồng.

Dự án Tokyo bị siết nợ: PVcombank cam kết hỗ trợ người mua nhà ảnh 1 Toà tháp Tokyo Tower đang thi công dở dang

Liên quan tới vấn đề bảo lãnh dự án, khách hàng chất vấn: thời hạn bảo lãnh dự án của PVcombank chỉ hết hạn khi bàn giao nhà cho dân, tức là hiện bảo lãnh vẫn còn hiệu lực. Cam kết bảo lãnh của ngân hàng với chủ đầu tư ghi rõ: nếu không hoàn thiện dự án thì sẽ hoàn trả tiền, vì sao ngân hàng không phát hành bảo lãnh cho cư dân và trách nhiệm ra sao?

Đại diện PVcomBank giải thích, theo quy định tại thời điểm 2015 thì chủ đầu tư phải cung cấp thư bảo lãnh cho cư dân, nhưng họ đã không cung cấp. Với những người ký hợp đồng mua nhà khi thông tư mới về bảo lãnh có hiệu lực, thì theo quy định hợp đồng khung sẽ phải được ký lại để bổ sung các điều khoản, nhưng Sông Đà 101 cũng không ký.

Theo hợp đồng đã ký giữa ngân hàng và chủ đầu tư, bảo lãnh dự án hiện đã hết hiệu lực. Công ty Sông Đà 101 đã không có phản hồi gì.

Về vấn đề của cư dân liên quan đến bảo lãnh, PVcombank sẽ phải gửi văn bản lên Ngân hàng Nhà nước để xin ý kiến. Cư dân nào có nhu cầu phát hành bảo lãnh thì gửi tới ngân hàng để ngân hàng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đại diện PVcombank, mục tiêu cuối cùng là hoàn thiện dự án để sớm bàn giao nhà cho khách hàng ổn định chỗ ở, thu tiền để trả nợ. PVcomBank đảm bảo quyền lợi cuối cùng là người mua nhà nhận được căn hộ theo hợp đồng đã ký do đó ngân hàng cũng đề nghị người mua nhà bình tĩnh và phối hợp với ngân hàng để cùng đưa ra phương án hợp lý và nhận nhà sớm nhất có thể.

Đối với các khách hàng có khoản vay mua căn hộ Dự án Tokyo Tower tại PVcomBank, ngân hàng sẽ có chính sách hỗ trợ tốt nhất phù hợp với quy định pháp luật như miễn giảm lãi phạt và miễn phí phạt chậm trả cho khách hàng. Chính sách miễn giảm lãi phạt sẽ được xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước và phù hợp với các văn bản, hợp đồng PVcomBank đã ký.

>> PVcomBank siết nợ Tokyo Tower - tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…