Dự cảm xuân 2018: Sẽ tiếp tục là năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao…"

Đó là nhận định của ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch tỉnh - CTHHDN tỉnh Bắc Giang chia sẻ với Thương Gia về xu hướng phát triển kinh tế Việt Nam 2018.
Dự cảm xuân 2018: Sẽ tiếp tục là năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao…"

Ông kỳ vọng điều gì vào nền kinh tế năm 2018?

Có thể thấy, năm 2017, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực, toàn diện. Tỉnh Bắc Giang cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm 13,3% (cao nhất từ trước đến nay), tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, thu hút được vốn đầu tư nước ngoài; đời sống nhân dân nhiều mặt được cải thiện …

Từ những thắng lợi của năm 2017, năm 2018 là năm triển khai mạnh mẽ Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đặc biệt đây là năm chính quyền các cấp tập trung thực hiện phương châm của Chính phủ "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Từ đó, tôi có rất nhiều niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển của đất nước nói chung, của tỉnh Bắc Giang nói riêng.

Cụ thể, đối với tình hình đất nước: Kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định, có sự chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tiếp tục được tập trung khuyến khích; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường giúp hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp được nâng lên; phòng chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh; phát triển văn hóa, xã hội được quan tâm; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân được chú trọng; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu chủ động hơn….

Đối với tỉnh Bắc Giang: Sẽ tiếp tục là năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao mục tiêu đặt ra là 13%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng mạnh công nghiệp và dịch vụ, giảm dần nông nghiệp; giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao có bước phát triển mới; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; thu hút đầu tư và thành lập mới doanh nghiệp tiếp tục có khởi sắc, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, nhất là các thủ tục liên quan tiếp cận đất đai, áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; doanh nghiệp, doanh nhân tham gia tích cực hơn vào xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật được đẩy mạnh; quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp được đảm bảo; các cuộc thanh, kiểm tra sẽ được cắt giảm; gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp sẽ trở thành hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đứng dưới góc độ là người đảm nhiệm PCT tỉnh và là CTHHDN của tỉnh, ông mong muốn 2018 sẽ có những thay đổi gì ?

Được giao nhiệm vụ chỉ đạo phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể, tôi có mong muốn sẽ có những thay đổi sau trong năm 2018:

Thứ nhất, tập trung tham mưu trình cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh nhằm phát triển khu vực kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 khóa IX, Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII của Đảng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, bộ ngành Trung ương. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển.

Thứ hai, thành lập mới được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, với mục tiêu thành lập được mới trên 1.000 doanh nghiệp; trên 100 hợp tác xã kiểu mới và từ 03 đến 05 liên hiệp hợp tác xã.

Thứ ba, hình thành được các chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã và người tiêu dùng, từ đó tạo ra các chuỗi giá trị khép kín, giúp tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, định hướng hoạt động sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, nhất là hàng hóa nông sản; có giải pháp mở rộng quy mô thị trường hiện có và khai thông thị trường mới, khó tính.

Cuối cùng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng tiếp tục phát triển, làm ăn thịnh vượng và có nhiều đóng góp quan trọng hơn nữa cho quê hương, đất nước. 

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...