Du lịch mở cửa, đòn bẩy phục hồi bất động sản nghỉ dưỡng

Việc mở cửa đường bay quốc tế vào tháng 3/2022 là cơ hội vàng để ngành du lịch Việt Nam trở lại với sức bật mới. Với đòn bẩy phục hồi du lịch, liệu thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có khả năng vực dậy?
Ngành du lịch mở cửa là cơ hội cho bất động sản nghỉ dưỡng vực dậy. (Ảnh: Int)
Ngành du lịch mở cửa là cơ hội cho bất động sản nghỉ dưỡng vực dậy. (Ảnh: Int)

Du lịch nội địa giữ vai trò then chốt

Trải qua 2 năm “đóng băng”, ngành du lịch trong thời gian gần đây đang cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Cụ thể, lệnh nới lỏng giãn cách xã hội từ tháng 10/2021 đã giúp bức tranh toàn cảnh ngành du lịch quý 4 thêm phần khả quan, khi nhiều dịch vụ quay trở lại hoạt động và các đường bay trong nước được nối lại. Theo báo cáo của Savills, trong tháng 12, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện 8.383 chuyến bay, tương đương với mức tăng trưởng 538% so sánh với 1.311 chuyến bay trong tháng 9.

Tuy nhiên, đà phục hồi của ngành du lịch trở nên rõ rệt nhất khi bước sang những ngày đầu của năm 2022. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, 9 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên Đán 2022, cả nước đã đón và phục vụ 6,1 triệu lượt du khách nội địa và thu về lượng doanh thu ước tính đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Những con số “biết nói” trên cũng phần nào thể hiện nhu cầu di chuyển cao của người dân cũng như triển vọng bật dậy của ngành nhờ yếu tố nội địa.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang được hưởng lợi từ sức nóng của du lịch trong nước. Nghiên cứu của Savills ghi nhận sự cải thiện của công suất cho thuê và giá thuê trung bình phân khúc khách sạn trong những tháng cuối năm 2021. Tương tự, nguồn cung tương lai tại thị trường Hà Nội đang trong đà tăng, tính từ năm 2022 trở đi. Những tín hiệu này cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào khả năng bật dậy của ngành.

Chia sẻ về triển vọng tương lai của bất động sản nghỉ dưỡng tại khu vực miền Bắc, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho biết: “Bàn về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của miền Bắc, bên cạnh các thành phố phát triển mạnh về du lịch như Hạ Long, chúng tôi nhận thấy số lượng lớn dự án đang được phát triển ở các vùng ngoại thành và xung quanh thành phố Hà Nội như Hoà Bình và Thanh Hoá.”

Lý giải về hiện tượng này, ông Matthew cho biết, xu hướng này cũng khá dễ hiểu, bởi việc di chuyển của người dân tới các quận/huyện ngoại thành đang trở nên thuận tiện hơn nhiều. Nhờ vào hạ tầng và mạng lưới giao thông ngày càng phát triển, người dân cũng sẽ lựa chọn những địa điểm nghỉ dưỡng gần và xung quanh Hà Nội vào những ngày cuối tuần. Vì vậy, chúng tôi đang rất kỳ vọng vào những dự án phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu vực lân cận này.

Đặt yếu tố nội địa làm động lực phát triển chính, ngành du lịch Việt Nam đang cho thấy tình hình hoạt động đầy khả quan trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, chuyên gia Savills cũng nhấn mạnh vào nguồn khách quốc tế với vai trò như một đòn bẩy mạnh mẽ cho sự bật dậy của thị trường du lịch Việt Nam.

Du lịch quốc tế chính thức mở cửa trở lại

Theo kế hoạch của Chính phủ, các đường bay quốc tế sẽ hoạt động bình thường trở lại từ ngày 15/3, đi kèm chương trình “Hộ chiếu vaccine”. Với 79 quốc gia và vùng lãnh thổ được Việt Nam công nhận hộ chiếu vaccine tính đến ngày 16/2, quyết định mở cửa du lịch toàn quốc sẽ thu hút lượng lớn du khách nước ngoài quay trở lại Việt Nam, góp phần “khuấy động” các hoạt động du lịch của quốc gia.

Chính sách mở cửa đi lại giữa Việt Nam và các nước khác cũng sẽ làm thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn, không chỉ ở phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng mà còn ở phân khúc căn hộ dịch vụ.

Nghiên cứu của Savills chỉ ra rằng các chuyên gia Nhật Bản và Hàn Quốc là khách thuê chính tại các căn hộ dịch vụ hạng A, với 79% thị phần trong nửa đầu 2021 và tăng lên 84% trong hai quý còn lại.

Theo ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ chảy vào Việt Nam trong năm qua phần nào khẳng định số lượng lớn các chuyên gia quốc tế đang và sẽ làm việc tại quốc gia. Một khi đường bay quốc tế được nối lại hoạt động, họ sẽ đến nước ta để công tác dài hạn, góp phần đưa phân khúc căn hộ dịch vụ quay trở lại đà tăng trưởng như trước.

Khảo Sát Người Mua Toàn Cầu năm 2021, hệ thống chăm sóc sức khỏe, chất lượng không khí và không gian xanh là những tiêu chí hàng đầu để người dân lựa chọn nơi sinh sống. Bởi vậy, Savills dự đoán những căn hộ dịch vụ thương hiệu sẽ có lợi thế lớn khi sở hữu những chương trình hợp tác với các tổ chức y tế để đảm báo an toàn và nâng cao sức khỏe của cư dân tại dự án.

Với nguồn cầu sẵn từ trong nước và quốc tế, triển vọng của bất động sản nghỉ dưỡng và căn hộ dịch vụ sẽ còn phụ thuộc nhiều vào chiến lược của Chính phủ cùng diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…