Kết thúc phiên 2/5, chỉ số Dow Jones tăng 564,47 điểm (+1,39%) lên 41.317,43 điểm, S&P 500 leo 82,54 điểm (+1,47%) thành 5.686,68 điểm còn Nasdaq Composite thêm 266,99 điểm (+1,51%) đạt 17.977,73 điểm.
Cổ phiếu Apple giảm gần 4% khi hãng thu hẹp quy mô chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 10 tỷ USD. Giám đốc điều hành Tim Cook cảnh báo rằng thuế quan có thể khiến chi phí sản xuất tăng thêm khoảng 900 triệu USD trong quý này.
Một số cổ phiếu công nghệ lớn khác trong nhóm “Magnificent Seven” có diễn biến tích cực. Điển hình là Meta Platform tăng 4,3%, Nvidia leo 2,6%, trong khi Amazon giảm nhẹ 0,1%.
Cổ phiếu Chevron tăng 1,6% và ExxonMobil nhích 0,4% sau khi cả hai công ty dầu khí hàng đầu công bố kết quả kinh doanh quý khả quan.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 15,99 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 19,3 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.
Chỉ số S&P 500 đã có phiên tăng thứ 9 liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ 2004. Tương tự, Dow Jones cũng ghi nhận chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2023. Tính cả tuần, S&P 500 tăng 2,9%, Dow Jones tăng 3% và Nasdaq thêm 3,43%.
Trong cùng ngày, dữ liệu mới công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 177.000 việc làm trong tháng 4, cao vượt dự báo ban đầu, trong khi tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 4,2%. Dữ liệu này giúp xoa dịu lo ngại về nguy cơ suy thoái sau báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy GDP quý 1/2025 suy giảm, lần đầu tiên sau ba năm, do lượng hàng hoá nhập khẩu tăng vọt vì ảnh hưởng của thuế quan.
Ông Talley Leger, chiến lược gia trưởng tại Wealth Consulting Group, nhận định: “Thị trường chứng khoán tỏ ra lạc quan với báo cáo việc làm sáng nay, nhưng tôi phải lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng việc làm đã chậm lại so với tháng trước và hầu như chưa thấy ai bình luận về điều đó”.
Vào hôm 2/5, chính phủ Trung Quốc thông báo đang xem xét đề xuất của Washington về việc khôi phục lại đàm phán thương mại song phương. Cuộc chiến thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến các thị trường trên toàn cầu chao đảo, nhất là khi cả hai bên đều không muốn thể hiện mình là bên nhượng bộ. Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lại một phần thuế quan đã giúp các chứng khoán Mỹ phục hồi sau chuỗi trượt dốc trước đó.
GIÁ DẦU GHI NHẬN TUẦN GIẢM SÂU
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 1% vào thứ Sáu và kết tuần với mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 3 khi giới đầu tư trở nên thận trọng hơn trước thềm cuộc họp quyết định sản lượng tháng 6 của OPEC+.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 84 cent, tương đương 1,4% còn 61,29 USD thùng. Giá dầu WTI của Mỹ mất 95 cent, tương đương 1,6%, xuống 58,29 USD/thùng. Tính cả tuần, dầu Brent giảm hơn 8%, còn WTI trượt khoảng 7,7%.
Theo ba nguồn tin của Reuters, cuộc họp OPEC+ đã được dời lên thứ Bảy tuần tới thay vì thứ Hai như kế hoạch ban đầu, nhưng chưa rõ lý do thay đổi. Các thành viên OPEC+ hiện đang thảo luận về việc có nên tiếp tục tăng nhanh sản lượng trong tháng 6 hay chỉ điều chỉnh nhẹ. Dù họ lựa chọn phương án nào, giới giao dịch vẫn đang chuẩn bị tâm thế cho kịch bản nguồn cung tăng vọt trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế sẽ nhu cầu nhiên liệu suy giảm mạnh trong năm nay.
Chuyên gia Scott Shelton từ United ICAP nhận xét: “Hiện tại, thị trường dầu mỏ đang tập trung hoàn toàn vào OPEC, còn những tranh cãi về cuộc chiến thuế dường như tạm lắng xuống”.