Chứng khoán Mỹ biến động như thế nào sau 100 ngày ông Trump nhận chức?

Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Phố Wall vừa trải qua một giai đoạn biến động nhất kể từ những năm 1970…

Chứng khoán Mỹ biến động như thế nào sau 100 ngày ông Trump nhận chức?

Ngày 30/4 tới sẽ đánh dấu tròn 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng. Tính đến cuối phiên 28/4, chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 8% so với ngày ông nhậm chức. Đây là mức giảm tồi tệ nhất trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống kế từ thời cựu Tổng thống Richard Nixon.

Năm 1973, chính quyền Nixon nhiệm kỳ thứ hai chứng kiến chỉ số S&P 500 lao dốc 9,9% sau khi thực hiện một loạt biện pháp kinh tế nhằm chống lạm phát, nhưng cuối cùng dẫn đến cuộc suy thoái kéo dài từ năm 1973 đến 1975. Ông Nixon sau đó từ chức vào năm 1974 do bê bối Watergate.

Trung bình, theo dữ liệu từ năm 1944 đến 2020, chỉ số S&P 500 thường tăng khoảng 2,1% trong 100 ngày đầu tiên của mỗi đời tổng thống, trích dẫn báo cáo từ CFRA Research.

Đà sụt giảm của Phố Wall trong thời gian đầu ông Donald Trump lên nắm quyền hoàn toàn trái ngược với sự hưng phấn ban đầu hậu chiến thắng bầu cử vào tháng 11 năm ngoái khi S&P 500 lập đỉnh cao mới nhờ kỳ vọng ông Trump sẽ thực hiện cắt giảm thuế và nới lỏng quy định kinh doanh. Dữ liệu từ CFRA cho thấy từ ngày bầu cử đến ngày ông Trump nhậm chức, chỉ số S&P 500 đã tăng 3,7%.

Tuy nhiên, hàng loạt những chính sách thương mại gay gắt và quyết liệt của vị Tổng thống 78 tuổi lại khiến thị trường chao đảo mỗi lần có thông báo mới về thuế quan áp đặt lên đối tác thương mại.

Chỉ số S&P 500 đã mất hơn 10% chỉ trong hai phiên giao dịch đầu tháng này sau khi chính quyền Trump công bố các mức thuế cao nhất trong vòng một thế kỷ vào ngày 2/4. Một tuần sau, thị trường dần phục hồi khi chính phủ Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày, xoa dịu phần nào lo lắng của nhà đầu tư. Kể từ đó, Phố Wall tiếp tục biến động mạnh và các nhà giao dịch gặp khó khăn trong việc tìm hướng đi rõ ràng.

"Liên tiếp những cú sốc, hết cú này đến cú khác”, ông Dave Lutz, chiến lược gia vĩ mô tại JonesTrading với 30 năm kinh nghiệm Phố Wall, nhấn mạnh.

Và tất nhiên, Phố Wall cũng đang chuẩn bị tâm lý cho những biến động tiếp theo. Dữ liệu mới nhất của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho thấy các nhà đầu cơ đã mở rộng vị thế bán ròng (net-short position) trên hợp đồng tương lai S&P 500 lên mức cao nhất kể từ tháng 12.

"Ai cũng đang mong tìm ra đáy của thị trường. Hiện vẫn chỉ là một đợt phục hồi ngắn hạn trong thị trường giá xuống. Tôi tin rằng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi rắc rối, khi tình hình ở Washington còn quá nhiều dấu hỏi”, ông Jeffrey Hirsch, biên tập viên của Stock Trader’s Almanac nói.

screenshot-2025-04-29-at-094315.png
Thống kê biến động của chỉ số S&P 500 trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của các Tổng thống Mỹ

Theo giới quản lý quỹ, chỉ cần duy nhất một từ để mô tả tác động của chính sách thương mại lên thị trường chứng khoán, đó là “bất định”. "Chúng ta vẫn chưa biết chính xác Mỹ muốn đạt được điều gì trong các cuộc đàm phán với Việt Nam, Trung Quốc, Canada hay châu Âu, và cũng không rõ thế nào mới gọi là thành công”, ông Paul Nolte, chiến lược gia thị trường kiêm quản lý tài sản cao cấp tại Murphy & Sylvest Wealth Management nói.

Chính sự thiếu rõ ràng này đã khiến nhà đầu tư có xu hướng phòng thủ, hạn chế giao dịch và chờ đợi cho đến khi có thêm chi tiết về chính sách cụ thể. Nhưng đó không phải là rủi ro duy nhất.

Ông David Lefkowitz, trưởng bộ phận chứng khoán Mỹ tại UBS Global Wealth Management dự báo rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty trong chỉ số S&P 500 sẽ chững lại trong năm nay, do hoạt động kinh tế ảm đạm và chi phí cao hơn từ các biện pháp thuế quan.

Khảo sát mới nhất của Bloomberg cũng cho thấy các nhà kinh tế cảnh báo chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và cả năm sau.

Ông Jim Worden, giám đốc đầu tư tại Wealth Consulting Group, đang tìm kiếm cơ hội ở cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe, tài chính, hàng tiêu dùng thiết yếu, cũng như những mã bị bán tháo quá mức trong đợt sụt giảm vừa qua. Trong khi đó, ông James Abate, giám đốc chiến lược đầu tư cơ bản tại Horizon Investments cho biết công ty ông đang mua vào cổ phiếu các ngân hàng khu vực.

Nhìn chung, Phố Wall vẫn giao dịch với tâm thế thận trọng. Bởi lẽ, không ai biết 100 ngày tiếp theo sẽ ra sao.

"Chúng ta vẫn chưa qua cơn bão và tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể vượt qua nó trong thời gian ngắn. Bởi vì, rõ ràng Trump vẫn sẽ là Trump”, ông Eric Diton của Wealth Alliance nhận định.

Tất nhiên, vẫn còn hai phiên giao dịch nữa để có thể đi đến kết luận cuối cùng. Về mặt kỹ thuật, 100 ngày đầu tiên của ông Donald Trump sẽ kết thúc vào 30/4. Nếu S&P 500 tăng mạnh trong tuần này, ông Trump có thể vượt qua được mức giảm 6,9% trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush vào năm 2001 và sẽ chỉ còn là tổng thống có khởi đầu tệ thứ ba trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Hơn 1.000 tỷ USD Mỹ đã bị đánh cắp hàng năm thông qua lừa đảo qua điện thoại và internet

Vén màn “Ngành công nghiệp lừa đảo tỷ đô”: Thâm nhập "Khu tự trị" Mae Sot

Đằng sau những vụ hack tài khoản, chiếm đoạt tiền từ châu Âu sang châu Á sang Mỹ… là cả một “ngành công nghiệp lừa đảo tỷ đô” hoạt động tinh vi, bài bản. Hàng trăm ngàn “nạn nhân” của nạn buôn người đang trở thành những nô lệ hiện đại, làm công cụ lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ USD mỗi năm...

Mùa hè buồn của ngành du lịch Mỹ

Mùa hè buồn của ngành du lịch Mỹ

Ngành du lịch Mỹ đang chao đảo khi lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh do căng thẳng chính trị, chính sách nhập cư khắt khe và các rào cản visa, khiến nhiều điểm đến và doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thất thu nghiêm trọng trong mùa cao điểm…

Người Hàn mua quà cũ, bỏ tiệc sang để vượt “bão” kinh tế

Người Hàn mua quà cũ, bỏ tiệc sang để vượt “bão” kinh tế

Đối mặt với lạm phát và kinh tế bất ổn, người tiêu dùng Hàn Quốc đang thắt chặt chi tiêu trong Tháng Gia đình, thời điểm vốn được biết đến với những bữa tiệc hoành tráng và quà tặng đắt tiền, bằng cách mua đồ cũ, chọn quà thực tế và cắt giảm các khoản ăn uống xa hoa…

Shein và Temu "xoay trục”, đẩy mạnh kinh doanh tại Châu Âu

Shein và Temu "xoay trục”, đẩy mạnh kinh doanh tại Châu Âu

Đối mặt với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu và chấm dứt “ngoại lệ de minimis”, hai “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Shein và Temu đang mở rộng kế hoạch chi tiêu quảng cáo tại châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp, để chuẩn bị cho việc mở rộng kinh doanh tại đây…