Dừng công bố dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm vì "ý kiến trái chiều"

Tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 12/3, Thứ trưởng Khoa học & Công nghệ, Phạm Công Tạc cho biết sẽ dừng công bố dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm".
Dừng công bố dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm vì "ý kiến trái chiều"

Thứ trưởng Khoa học & Công nghệ, Phạm Công Tạc lý giải, một bộ tiêu chuẩn quốc gia, quy phạm thực hành sản phẩm trong một lĩnh vực nào đó sẽ liên quan đến vài bộ, ngành. Song khi đưa vào cuộc sống đều phải đảm bảo ba nguyên tắc.

Thứ nhất là phải phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam ở từng giai đoạn.Ví dụ, có giai đoạn thì chất lượng đối với sản phẩm xăng dầu không được quan tâm nhưng hiện nay lại được quản lý rất chặt chẽ. Thứ hai, mỗi bộ tiêu chuẩn phải đảm bảo sự đồng thuận của các thành phần liên quan trong xã hội. Đây là nguyên tắc không phải ngoại lệ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Và thứ ba, theo ông là phải đảm bảo sự hài hoà lợi ích của các bên liên quan. 

Tuy nhiên, theo ông Tạc, cơ quan này cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều khi dự thảo tiêu chuẩn với nước mắm được công bố. "Việc xây dựng một tiêu chuẩn với mỗi sản phẩm rất khó khăn. Khi nhận được những ý kiến phản ánh trái chiều cần lại xem lại bởi các 'điều kiện cần' như trên không đảm bảo", Thứ trưởng nói. 

Đại diện Bộ Nông nghiệp cũng cho biết sẽ cùng Bộ Khoa học & Công nghệ hoàn thiện dự thảo quy chuẩn này thông qua việc nhiều lần tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các bên để khi công bố đảm bảo được ba tiêu chí này. 

"Trước đó, sau khi dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" được công bố, các doanh nghiệp cho rằng có hơn 50 nội dung quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất truyền thống đang bị cạnh tranh mạnh mẽ, hàng giả hàng nhái tràn lan thì dự thảo này nếu được thông qua lại càng làm doanh nghiệp kiệt quệ thêm.

Không ít doanh nghiệp cho rằng dự thảo có nhiều nội dung mang tính chất "bóp nghẹt" các cơ sở nước mắm truyền thống khi đưa ra những tiêu chuẩn bất hợp lý. Đầu tiên là tiêu chuẩn kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong khi nguyên liệu làm nước mắm là cá biển, không thể có thuốc thú y... Hay như quy định hàm lượng histamine trong nước mắm phải dưới 400 ppm. Trong khi đó nước mắm truyền thống được làm từ cá biển nguyên chất nên hàm lượng đạm 20-40 độ khiến histamine ở mức 800-1.000 ppm.

Không chỉ vậy, trong dự thảo tiêu chuẩn lại có quy định thùng chứa nước mắm phải màu sáng. Thực tế, doanh nghiệp làm nước mắm bằng bể xi măng, chum, thùng gỗ vẫn đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, dự thảo đưa ra chỉ tiêu kiểm soát vi sinh vật (độc tố Clostridium botulinum và Staphylococus aureus) cũng không phù hợp. Vì vi sinh vật này gây bệnh từ thịt, còn cá thì không có. Đặc biệt, vi sinh vật này không phát triển được trong môi trường nước mắm nên không có mối nguy.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn TCVN-12607:2019 chỉ đưa ra hai loại khái niệm là nước mắm nguyên chất và nước mắm chung. Trong đó, dự thảo lại không phân định rõ quy trình sản xuất đâu là nước mắm truyền thống, đâu là nước mắm công nghiệp. Do đó, doanh nghiệp đề nghị cần có bộ quy chuẩn riêng cho từng loại.

Một điểm bất hợp lý khác là dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải thiết kế và xây dựng cơ sở sản xuất; nâng cấp nơi sản xuất nước mắm truyền thống trở thành nhà xưởng hiện đại... Theo các doanh nghiệp, điều này buộc các nhà sản xuất phải đầu tư thêm chi phí để xây dựng cơ sở sản xuất với quy mô lớn mới đáp ứng được các tiêu chuẩn như dự thảo đưa ra. Trong khi cơ sở hoành tráng, hiện đại không đồng nghĩa với chất lượng sản phẩm làm ra sẽ tốt.

Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết cho biết, từ trước tới nay, doanh nghiệp nước mắm truyền thống áp dụng quy định TCVN-7265:2005 và thực tế sản xuất tại Việt Nam. Riêng với tiêu chuẩn Codex (CAC/RCF 52-2003) hầu như chỉ phù hợp với nước mắm công nghiệp và trước đó doanh nghiệp nước mắm truyền thống cũng từng phản đối và không áp dụng quy định này.

Chiều ngày 11/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và yêu cầu các quy chuẩn, tiêu chuẩn đưa ra không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...