Án phạt & tai tiếng!
Mới đây, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam (Số 43, đường số 8, KCN Việt Nam – Singapore, P Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) do ông Lương Đăng Khoa làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và đại diện pháp luật của công ty vì đơn vị này đã báo cáo không chính xác các yếu tố hình thành giá thuốc theo quy định của pháp luật đối với hồ sơ kê khai giá thuốc Methylboston 16 (số đăng ký VD-32804-19) và thuốc Bostacet (số đăng ký VD30311-18).
Điều đáng nói trong quyết định xử phạt là có 02 hồ sơ kê khai giá thuốc có cùng hành vi vi phạm báo cáo không chính xác các yếu tố hình thành giá thuốc theo quy định của pháp luật là vi phạm hành chính nhiều lần theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Do đó, Cục Quản lý Dược đã quyết định tăng nặng hình thức xử phạt.
Trước đó, ngày 23/12/2020, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 656/QĐ-XPHC đối với Công ty cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam do đã thực hiện hành vi sản xuất thuốc Effer Paralmax Codein, SĐK VD-27811-17 có thay đổi lớn so với hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt nhưng chưa được phê duyệt nội dung thay đổi theo quy định của pháp luật quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 57 của Nghị định 2 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Quyết định xử phạt nêu rõ, Công ty cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt này. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành. Bên cạnh đó, công ty này có quyền khiếu nại và khởi kiện đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính này theo quy định của pháp luật.
Cùng thời điểm cuối năm 2020, Dược phẩm Boston còn dính vào một tai tiếng làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu. Cụ thể, lô hàng thuốc tây đa phần là thuốc trị các bệnh ung thư, khớp, dạ dày hết date và cận date với số lượng gần 1 tấn, cùng 5 tấn nguyên liệu để sản xuất thuốc, chất bảo quản thuốc của Công ty dược phẩm Boston được giao cho Công ty Thiên Thanh (có trụ sở chính số tại số 172, đường số 8, khu dân cư Nam Long, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM) tiêu huỷ . Việc tiêu hủy lô hàng thuốc tây và nguyên liệu làm thuốc này được tiến hành tại nhà máy xử lý chất thải thông thường và nguy hại Vĩnh Tân (địa chỉ: Xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) tuy nhiên lại bị bán ra ngoài.
Ở vụ việc này, tuy là một doanh nghiệp lớn trong ngành dược nhưng có thể thấy Dược phẩm Boston rất thờ ơ với sức khỏe của người tiêu dùng khi thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm tra tiêu hủy sản phẩm.
Có hay không sự ưu ái?
Dữ liệu cho thấy: Dược phẩm Boston là doanh nghiệp liên doanh với Boston Pharmaceutical Inc. USA từ năm 2008. Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty cổ phần Dược Phẩm Vitar do Công ty Dược Trung ương I (thuộc Tổng công ty Dược Việt Nam) và các cổ đông cá nhân điều hành. Đến tháng 1/2022, vốn điều lệ công ty nâng lên gần 214 tỷ đồng, cổ đông ngoại chiếm 5%.
Theo thông tin tự giới thiệu, Dược phẩm Boston sản xuất được 184 loại dược phẩm, công suất vào khoảng một tỷ đơn vị mỗi năm.
Doanh nghiệp đặt tham vọng trở thành "biểu tượng hàng đầu về chất lượng dược phẩm" và nằm trong "nhóm 10 nhà máy sản xuất thuốc tân dược tốt nhất Việt Nam".
Những năm qua, kết quả kinh doanh của Dược phẩm Boston tăng trưởng ổn định. Giai đoạn 2016-2020, doanh thu tăng hơn 2,75 lần lên mức 355 tỷ đồng. Lãi ròng của doanh nghiệp tăng mạnh đến hơn 4,7 lần, đạt gần 30 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên trang web của mình Dược phẩm Boston nêu cao tiêu chí: "Nơi nào cần sức khỏe nơi đó có Boston Pharma" và nêu cao sứ mệnh với khẩu hiệu "Boston Pharma – Kiến tạo cộng đồng sống khỏe" thông qua lời khẳng định "Chăm sóc sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm. Đội ngũ lãnh đạo và nhân viên của doanh nghiệp cam kết luôn mang đến những sản phẩm thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chất lượng cao, giá cả hợp lý nhất cho người sử dụng. Vì chúng tôi biết rằng, sức khỏe cộng đồng là trung tâm phục vụ của mọi doanh nghiệp dược phẩm và chỉ có việc nâng cao sức khỏe cộng đồng mới làm nên giá trị của Boston Pharma".
Với dữ liệu và lời khẳng định của mình, có thể thấy rõ ràng Dược phẩm Boston là một trong những ông lớn trong lĩnh vực dược phẩm. Nhưng với những "án phạt" từ Cục Quản lý Dược cùng những "tai tiếng" trong việc xử lý thuốc, dược phẩm hết hạn liệu doanh nghiệp này có thực sự tôn trọng luật pháp, tôn trọng người tiêu dùng hay chỉ hô khẩu hiệu để quảng cáo cho vui và đang đùa giỡn với tính mạng người bệnh?
Đặc biệt, dù "dính" nhiều án phạt từ cơ quan quản lý dược, nhưng vừa qua Dược phẩm Boston cũng nằm trong danh sách 3 công ty được Cục quản lý Dược - Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất Molnupiravir, với giấy phép lưu hành này có hiệu lực trong 3 năm. Qua đó, Công ty Dược Boston được cấp phép với thuốc kháng virus Molravir 400mg với hàm lượng Molnupiravir 400 mg, dạng viên nang cứng. Điều này khiến dư luận đặt ra rất nhiều dấu hỏi đối với cơ quan quản lý, khi mà một doanh nghiệp có khá nhiều vấn đề như vậy lại "vượt qua" rất nhiều doanh nghiệp khác để nằm trong danh sách chỉ 3 doanh nghiệp được cung cấp thuốc kháng virus Molravir - một loại thuốc đang có nhu cầu rất lớn trong thời dịch?