Mới đây, EU đã sửa đổi Quy định 2019/1793 về việc các biện pháp khẩn cấp xuất khẩu thực phẩm đối mỳ ăn liền.
Theo đó, kể từ ngày 27/6, các mặt hàng mỳ ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Tuy nhiên, việc duy trì tần suất kiểm tra tại biên giới 20% vẫn đặt ra yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam luôn duy trì tốt công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mỳ ăn liền.
Nếu trong sáu tháng cuối năm 2023, mỳ ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào EU có nhiều vụ vi phạm quy định an toàn thực phẩm thì lộ trình tiếp theo của EU sẽ là tăng giám sát lên mức 50% tại cửa khẩu và sau đó là đưa quay lại Phụ lục II.
Tuy nhiên, theo quy định mới, ngoại trừ mì ăn liền, các sản phẩm khác của Việt Nam xuất sang EU không thay đổi so với quy định của 6 tháng trước. Trong đó, với các mặt hàng nông sản, đậu bắp và thanh long nằm trong Phụ lục II, với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20%.
Trước đó từ 6/1/2022, EU bổ sung mặt hàng Mỳ ăn liền vào kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (Ethylene Oxide) với tần suất kiểm tra là 20% do mỳ ăn liền là sản phẩm tổng hợp. Tháng 11/2022, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị có ý kiến để tháo gỡ khó khăn trước việc sản phẩm mì ăn liền bị kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide. Đến đầu năm 2023, EU thông báo vẫn sẽ tiếp tục kiểm soát Ethylene Oxide trong mì ăn liền Việt Nam.
Tại EU, chất Ethylene Oxide được xếp vào nhóm các sản phẩm thuốc trừ sâu cấm dùng trong thực phẩm bán ra có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài, từ nguyên liệu, sản xuất đến lưu trữ. EU phân loại Ethylene Oxide trong nhóm 1B là những chất gây ung thư, gây đột biến và độc tố sinh sản loại I và loại III về độc tính cấp tính. Đồng thời, khối này cũng quy định dư lượng tối đa ở mức rất thấp chỉ từ 0,1 đến 0,2 (mg/kg) tùy sản phẩm.