EU sửa đổi quy định về dư lượng một số hoạt chất thuốc trừ sâu trên nhiều sản phẩm

EU vừa ban hành Quy định (EU) số 2022/1324, ngày 28/7/2022 về việc sửa đổi Phụ lục II và III của Quy định (EC) số 396/2005 của Nghị viện Châu Âu và EU quy định dư lượng tối đa thuốc trừ sâu.

Theo đó, Quy định sửa đổi Phụ lục II và III của Quy định (EC) số 396/2005 của Nghị viện Châu Âu và EU quy định dư lượng tối đa thuốc trừ sâu gồm các hoạt chất benzovindiflupyr, boscalid, fenazaquin, fluazifop-P, flupyradifurone, fluxapyroxad, fosetyl-Al, isofetamid, metaflumizone, pyraclostrobin, spirotetramat, thiabendazole và tolclofos-methyl trong hoặc trên một số sản phẩm trái cây tươi, rau củ đông lạnh, hột lấy dầu, ngũ cốc, các sản phẩm có nguồn gốc động vật… Quy định có hiệu lực từ ngày 29/8/2022.

Trước đó, EU đã ban hành Quy định (EU) 2022/741 liên quan đến chương trình phối hợp kiểm soát nhiều năm của Liên minh trong năm 2023, 2024 và 2025 để đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu vào EU tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa và để đánh giá mức độ phơi nhiễm của người tiêu dùng đối với dư lượng thuốc trừ sâu trên và trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, đồng thời bãi bỏ Quy định (EU) 2021/601.

Gạo là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiểm tra nhiều nhất
Gạo là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiểm tra nhiều nhất

Theo quy định, các quốc gia thành viên sẽ lấy và phân tích mẫu cho các tổ hợp thuốc trừ sâu được nêu trong phụ lục I của Quy định. Các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra gồm cam, táo, chuối, kiwi, bưởi, hành tây, cà rốt, bông cải xanh, cải bắp, đậu, ớt, gạo xát vỏ, mỡ gia cầm, sữa bò, trứng gà…

Được biết, hiện không chỉ EU mà các nước Bắc Âu không thuộc EU (như Na Uy, Iceland) đang tăng cường các chương trình kiểm tra theo quy định này. Gạo là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu bị kiểm tra nhiều nhất theo chương trình này. Hexaconazole và Tricyclazole thường vượt ngưỡng trong các sản phẩm vi phạm.

Ngoài việc kiểm tra tại cửa khẩu đối với các lô hàng mới, cơ quan an toàn thực phẩm của các nước sẽ lấy mẫu kiểm tra trên thị trường với các lô hàng cũ. Nếu sản phẩm vi phạm dư lượng, doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối bắt buộc phải thông tin việc thu hồi rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, ti vi.

Tiếp theo, các mặt hàng tương tự của doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối sẽ bị kiểm tra tại kho và doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vào EU sẽ bị tăng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu với các lô hàng tiếp theo.

Việc thu hồi sản phẩm vi phạm và đăng tin rộng rãi sẽ ảnh hưởng uy tín không chỉ của doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu, mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm