EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện, tăng tối đa 55,9 đồng/kWh

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An vừa ký văn bản số 304/BCT-ĐTĐL, đồng ý cho EVN thực hiện điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện...
giá bán lẻ điện

Cụ thể, EVN sẽ thực hiện điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tối đa 3% tức là khoảng 55,9 đồng/kWh. Được biết, thời điểm EVN thực hiện điều chỉnh là sau dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2023. 

4 năm nay, giá bán lẻ điện bình quân hiện hành được duy trì là 1.864,44 đồng/kWh. Với mức tăng được đặt ra là 3% thì giá điện bán lẻ sẽ là 1.920,34 đồng/kWh. 

Bộ Công Thương cho biết, việc thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 cần tuân thủ theo quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. 

Giá điện được điều chỉnh khi thông số đầu vào biến động từ mức 3% trở lên so với mức bình quân hiện hành. Ngược lại, trường hợp khi thông số đầu vào biến động làm cho giá bán điện bình quân giảm so với mức hiện hành thì giá điện cũng được điều chỉnh giảm”, quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đã nêu. 

Việc tăng giá điện 3% sẽ thuộc thẩm quyền của EVN. Bởi trong quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đã nêu rõ: Nếu giá bán điện bình quân tăng 3-5% so với mức giá hiện hành, EVN được quyết định điều chỉnh giá; mức giá bán lẻ bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% thì thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến.

Bên cạnh việc đồng ý cho EVN tăng giá điện, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN khẩn trương rà soát toàn bộ các yếu tố đầu vào, cơ cấu chi phí, xác định rõ nguyên nhân khách quan cùng với nguyên nhân chủ quan của tình trạng tài chính hiện nay.

Ngoài ra, Bộ còn yêu cầu EVN thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh điện, cải thiện tình trạng tài chính. Trong đó bao gồm việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đàm phán với các nhà đầu tư, nhà cung cấp, hộ bán điện theo nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro,...

EVN cũng xây dựng đề án truyền thông tổng thể, toàn diện, bảo đảm thuyết phục, hiệu quả, tạo đồng thuận xã hội; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chương trình vận động, tuyên truyền thực hành tiết kiệm điện; phát động phong trào tiết kiệm điện trong toàn xã hội và các đơn vị thành viên.

Như Thuonggiaonline đã đưa, đại diện Bộ Công Thương cho biết năm 2022 tính riêng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ vào khoản thu nhập từ hoạt động tài chính và tiền bán công suất phản kháng thì mức lỗ giảm xuống còn 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Trước đó, EVN cũng đã có đề xuất, trình Bộ Công Thương, các cấp có thẩm quyền, Chính phủ nhằm điều chỉnh giá điện. Bản thân EVN cũng đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, thực hiện cắt giảm các khoản chi tiêu. Ngoài ra còn tối ưu hệ thống vận hành.

Có thể bạn quan tâm