EVN cho biết, nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, EVN dự báo lỗ có thể lên tới 64.805 tỉ đồng.
Tuy nhiên, EVN đã thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí như tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên; cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; tạm chi lương cho cán bộ công nhân viên bằng 80% mức lương bình quân năm 2020...
Tuy nhiên, do chi phí đầu vào lớn, EVN cho biết 10 tháng đầu năm, công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỉ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỉ đồng.
Trong khi đó, dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm xuống ở mức bình quân năm 2021, do đó dự kiến năm 2023 EVN vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, EVN cũng đang gặp khó trong cân đối dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện.
Mới đây, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất biểu giá điện 4 và 5 bậc thay cho biểu giá điện cũ 6 bậc được xây dựng từ năm 2014.
Phương án này được cho là sẽ tạo cho người dân nhu cầu tiết kiệm điện, và giúp EVN tăng thu đối với những đơn vị dùng nhiều, tránh tính lãng phí.