Với biên độ giao dịch +/-20% trong ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu PGV sẽ giao dịch trong khoảng 31.590 - 47.370 đồng.
Tại phiên ATO, giá cổ phiếu PGV xác định giá mở cửa ở mức 44.400 đồng/cổ phiếu. Kết phiên chào sàn HoSE, PGV đóng cửa tại mức giá 42.000 đồng/cổ phiếu, tăng 6,41% so với giá tham chiếu. Vốn hóa thị trường của EVNGENCO hiện xấp xỉ 47.185 tỷ đồng, tương đương 2,1 tỷ USD. Xét về quy mô vốn hoá, Tổng công ty nằm trong nhóm 50 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam và top 30 doanh nghiệp niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.
Đã có 182.100 đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên chào sàn HoSE, gấp 5,3 lần khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên cuối trên UPCoM. Trước đó, cổ phiếu PGV đã đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ năm 2018 sau khi thực hiện cổ phần hoá và chào bán lần đầu ra công chúng. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong ba tổng công ty phát điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cổ phần hoá và đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán.
Hiện tỷ lệ sở hữu của EVN tại Tổng công ty Phát điện 3 là 99,19%. Cũng theo ông Thành, việc giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước và thu hút thêm các nhà đầu tư sẽ giúp hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cao hơn. Cùng đó, chuyển giao dịch sang sàn HoSE ngoài đòi hỏi doanh nghiệp minh bạch hơn, quản trị công ty tốt hơn còn đặt ra yêu cầu phát triển công ty lớn mạnh hơn, hoạt động hiệu quả. hoàn thành kế hoạch lợi nhuận hàng năm do Đại hội đồng cổ đông đề ra và đáp ứng nhu cầu điện quốc gia.
EVNGENCO3 là một trong những nhà phát điện lớn nhất tại thị trường điện Việt Nam. Năm 2021, sản lượng điện sản xuất của công ty mẹ đạt trên 25,9 tỷ kWh, tương đương, với mỗi 100 kWh điện phát ra tại Việt Nam có hơn 10 kWh từ công ty mẹ EVNGENCO3. Tổng công ty đang quản lý cụm Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ công suất 2.540 MW, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 công suất 1.080 MW và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân công suất 1.279 MW, cùng 3 nhà máy thủy điện tổng công suất 586 MW thuộc Thủy điện Buôn Kuốp và Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2.