Eximbank chuẩn bị họp ĐHĐCĐ lần 2: Kịch bản cũ có tiếp tục lặp lại?

Eximbank vừa có thông báo về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần thứ 2 vào ngày 29/7 tới sau khi tổ chức bất thành cả ĐHĐCĐ thường niên và ĐHĐCĐ bất thường hồi cuối tháng 6 vừa qua.
Eximbank chuẩn bị họp ĐHĐCĐ lần 2: Kịch bản cũ có tiếp tục lặp lại?

Cùng với thông báo tổ chức đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 lần 2, cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - đang nắm giữ 15% vốn cổ phần Eximbank cũng vừa có văn bản yêu cầu ngân hàng này tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 trước đại hội cổ đông thường niên lần 2.

Tiếp tục "rối"

Được biết, trong văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank, SMBC cho biết dù tổ chức bất thành cả ĐHĐCĐ thường niên 2020 và ĐHĐCĐ bất thường nhưng Eximbank chỉ có thông báo về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần 2 mà không hề đề cập đến việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường lần 2.

Trong khi theo điều lệ hoạt động Eximbank, nếu đại hội cổ đông bất thường không thành công thì cũng phải tổ chức lại trong vòng 30 ngày. "Một điểm quan trọng của đại hội cổ đông bất thường là giải quyết các vấn đề thuộc năm tài chính 2019 đã bị trì hoãn trong thời gian dài. Do vậy đại hội cổ đông bất thường phải được tiến hành trước để giải quyết xong tất cả vấn đề của năm tài chính 2019 trước khi chuyển qua xem xét các vấn đề của năm tài chính 2020 và nhiệm 2020 - 2025", SMBC nhấn mạnh.

Thực tế, cả hai ĐHĐCĐ này đều có ý nghĩa rất quan trọng trong đó ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 do SMBC đề nghị triệu tập sẽ thanh lọc HĐQT thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm và giảm số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2019. Trong khi đó, ĐHĐCĐ thường niên 2020 sẽ bầu ra HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới 2020-2024.

Đây là cơ sở để lý giải câu chuyện trước đó HĐQT Eximbank sắp xếp tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 vào buổi sáng ngày 30/6 với mục đích kiện toàn ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới rồi tới buổi chiều mới tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, khi đó dù có kết quả thế nào, gần như không còn nhiều ý nghĩa.

Tương tự là cái cách HĐQT Eximbank triệu tập ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 2, mà không đề cập đến ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 lần 2 dù theo Điều lệ cũng phải được tổ chức chậm nhất vào ngày 29/7 tới đây.

Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank là ngân hàng duy nhất chưa thể tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2020.

Tại ĐHĐCĐ lần 1, kịch bản năm 2019 lặp lại khi số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự chỉ đạt 17,54%, thấp hơn mức yêu cầu 65%. Cuộc họp bất thường chiều cùng ngày, do nhóm SMBC kiến nghị tổ chức, cũng không thành công do tỷ lệ cổ phần tham dự chỉ ở mức 51%.

Trước những diễn biến "rối" như đã nói ở trên ngay trước thềm ĐHĐCĐ, nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về việc sẽ tiếp tục bất thành bởi những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông của Eximbank đã vượt qua lằn ranh có thể ngồi lại với nhau.

Không thể hoà bình?

Ảnh hưởng từ những tranh chấp mà trong suốt 15 tháng qua Eximbank không có Tổng giám đốc cũng là người đại diện trước pháp luật. Trong khi nội dung sửa đổi điều lệ theo hướng bổ sung một người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch HĐQT cũng không thể thực hiện được.

Chính vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank cũng chìm trong tranh cãi pháp lý, khi thay đến 4 đời chỉ trong 2 năm qua, từ ông Lê Minh Quốc đến bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh và nay là ông Yasuhiro Saitoh.

Vị trí của ông Yasuhiro Saitoh chỉ được bầu trước khi ĐHĐCĐ thường niên diên ra mấy ngày khiến nhiều liên tưởng đến việc vị tân Chủ tịch này là người đại diện cho nhóm cổ đông SMBC. Tuy nhiên trước đó SMBC đã có văn bản gửi HĐQT Eximbank nêu rõ ông Yasuhiro không phải là đại diện hoặc người được uỷ nhiệm và không được trao quyền hành động thay mặt cho SMBC.

Cần phải nhắc lại là từ đầu năm 2016 tới đây, Eximbank đã tổ chức ít nhất 9 phiên họp ĐHĐCĐ, nhưng chỉ có 2 trong số đó là thành công, chưa kể các lần đại hội khác bị hoãn vì nhiều lý do. Đi cùng những diễn biến "rối như canh hẹ" trong nội bộ là sự phát triển chung của ngân hàng cũng bị kéo lùi.

Nhìn vào bức tranh chung của Eximbank từ năm 2015 đến nay chỉ thấy chìm trong tranh đấu quyền lực, nội bộ lục đục, chảy máu nhân tài đã kéo Eximbank từ một ngân hàng top đầu, trở thành một nhà băng ở nhóm sau, với lợi nhuận thua xa những "đàn em" một thời như OCB, NamABank, TPBank, VIB...

Từ đầu năm 2016 tới đây, Eximbank đã tổ chức ít nhất 9 phiên họp ĐHĐCĐ, nhưng chỉ có 2 trong số đó là thành công, chưa kể các lần đại hội khác bị hoãn vì nhiều lý do.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên những vấn đề tại nhà băng nay đã vượt quá ranh giới để những nhóm cổ đông có thể ngồi lại với nhau. Nhiều cổ đông nhỏ lẻ và dư luận đang mong chờ sự vào cuộc của cơ quan quản lý mà cụ thể ở đây là NHNN trước mắt có thể đảm bảo tiến hành được các ĐHĐCĐ thường niên theo trình tự, quy định pháp luật và Điều lệ ngân hàng để có thể bầu ra được HĐQT nhiệm kỳ mới 2020-2024.

Năm 2020, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 326 tỷ đồng (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu năm 2020), huy động vốn đạt 147.800 tỷ đồng (giảm 8% so với kế hoạch 2020) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỷ đồng (giảm 4% so với kế hoạch năm 2020).Đặc biệt, theo kế hoạch điều chỉnh, chi phí dự phòng đã trích chủ động tăng 414 tỷ đồng so với kế hoạch 2020. 

Với các nội dung điều chỉnh như trên, kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm 10,3%, kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ VAMC theo kế hoạch đầu năm buộc phải giãn tiến độ sang năm tiếp theo, khiến kế hoạch lợi nhuận Eximbank trước thuế là 1.318 tỷ đồng, giảm mạnh 40% so với kế hoạch đầu năm 2020 nhưng vẫn tăng 22% so với kết quả đạt được năm 2019. 

Xem thêm

Eximbank lại làm “nóng” thị trường

Eximbank lại làm “nóng” thị trường

Cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) vừa có văn bản yêu cầu họp ĐHĐCĐ bất thường nhằm cắt giảm quy mô HĐQT của Eximbank thì ban kiểm soát của ngân hàng này cũng lên tiếng về sự “thiếu nhịp nhàng” của những người đứng đầu.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...