FPT báo lãi hơn 4.400 tỷ đồng trong 6 tháng, cổ phiếu quay về vùng mua hấp dẫn

Lợi nhuận ròng tăng vọt 21% trong 6 tháng đầu năm 2025, cổ phiếu giao dịch dưới định giá trung bình nhiều năm, FPT đang trở thành cái tên sáng giá trên thị trường chứng khoán...

Vượt qua những thách thức từ thị trường toàn cầu, FPT tiếp tục cho thấy sức tăng trưởng vững vàng trong nửa đầu năm 2025 với lợi nhuận ròng hơn 4.400 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu FPT đang được giới phân tích đánh giá là cơ hội hấp dẫn cho đầu tư dài hạn nhờ mức định giá thấp và triển vọng tăng trưởng ổn định.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh được Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) công bố, nửa đầu năm 2025, doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt 32.683 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.166 tỷ đồng (tăng gần 19%), trong khi lợi nhuận ròng tăng gần 21% lên mức 4.432 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 3.007 đồng, tăng 20%.

Điểm nhấn nổi bật trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục đến từ khối Công nghệ, mảng kinh doanh chủ lực của FPT. Khối này đóng góp 61% doanh thu và 46% tổng lợi nhuận trước thuế, tương ứng 20.128 tỷ đồng và 2.834 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 11% và 15% so với cùng kỳ.

Trong đó, dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng chính. Doanh thu mảng này đạt 16.669 tỷ đồng, tăng 14%, còn lợi nhuận trước thuế đạt 2.681 tỷ đồng, tăng 17%. Riêng thị trường Nhật Bản tiếp tục là điểm sáng với mức tăng trưởng vượt trội trên 28%. Doanh thu ký mới từ mảng này cũng đạt gần 19.909 tỷ đồng, tăng gần 5%.

Một tín hiệu tích cực khác là việc FPT đã trúng thầu 12 dự án quy mô trên 10 triệu USD trong nửa đầu năm, tăng tới 50% so với cùng kỳ 2024. Đây là dấu hiệu cho thấy năng lực cạnh tranh và vị thế quốc tế của doanh nghiệp tiếp tục được củng cố.

Trong lĩnh vực chuyển đổi số tại thị trường nước ngoài, FPT ghi nhận doanh thu 7.765 tỷ đồng, tăng gần 16%. Các dịch vụ như điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu (Data Analytics) đang là trụ cột mới trong chiến lược dài hạn của tập đoàn. Ở thị trường nội địa, mảng Công nghệ thông tin cũng đóng góp tích cực với doanh thu 3.459 tỷ đồng. Đáng chú ý, hệ sinh thái các sản phẩm “Made by FPT” tiếp tục mở rộng, đạt doanh thu 1.148 tỷ đồng, tăng gần 22%.

Các mảng kinh doanh truyền thống của FPT cũng duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Doanh thu từ Dịch vụ Viễn thông đạt 9.030 tỷ đồng (tăng hơn 13%), với lợi nhuận trước thuế đạt 2.017 tỷ đồng (tăng 19%). Lĩnh vực Giáo dục mang về doanh thu 3.537 tỷ đồng, tăng hơn 3%.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2025, FPT đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 lên 75.400 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 13.395 tỷ đồng, tăng trưởng 21%. Cổ tức bằng tiền mặt duy trì ở mức 20%.

Hiện có nhiều công ty chứng khoán đánh giá cao cổ phiếu này và có thể tích lũy. Cụ thể, Công ty Chứng khoán VCSC duy trì khuyến nghị “mua” với giá mục tiêu 138.700 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, Chứng khoán MBS cho rằng mức định giá hiện tại của FPT đang ở vùng hấp dẫn. Với mức P/E 2025 thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3 năm (20,4x) và thấp hơn các đối thủ công nghệ tại Ấn Độ (P/E 2025 khoảng 24x), cổ phiếu FPT đang trở nên cạnh tranh cho các nhà đầu tư dài hạn.

MBS cũng nhận định FPT có tiềm năng duy trì tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận ròng trung bình 20,7% trong giai đoạn 2025–2027. Động lực chính đến từ xu hướng chuyển đổi số toàn cầu, sự đầu tư vào AI, cùng năng lực thi công dự án lớn.

Tuy vậy, một số đánh giá thận trọng cũng được đưa ra. Chứng khoán MBS điều chỉnh giá mục tiêu giảm 9% so với báo cáo trước, đạt 146,700đ/cp (tiềm năng tăng giá 36%), chủ yếu do điều chỉnh giảm tăng trưởng EPS 202527 lần lượt 5%/4%/4% sv báo cáo trước do quan điểm thận trọng về triển vọng của thị trường Mỹ, và ngành giáo dục trong khi giữ nguyên các giả định tăng trưởng khác.

Định giá mới dựa trên phương pháp P/E áp dụng cho ba mảng kinh doanh chính, với mức P/E 2025 ước tính khoảng 16,8x, vẫn thấp hơn mức trung bình 3 năm (18,1x). Theo các chuyên gia phân tích, phần lớn rủi ro ngắn hạn đã được phản ánh vào giá, và hiện tại, FPT đã quay trở lại vùng giá hấp dẫn để tích lũy cho chiến lược đầu tư dài hạn.

Diễn biến cổ phiếu FPT trong phiên giao dịch sáng ngày 18/7

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT đang trong giai đoạn điều chỉnh sau đợt tăng trước đó. Chốt phiên giao dịch sáng ngày 18/7, mã FPT giảm nhẹ 0,24% về mức 126.700 đồng/cổ phiếu với thanh khoản hơn 2,7 triệu đơn vị.

Có thể bạn quan tâm