Cuộc chạy đua với thời hạn 90 ngày hoãn áp thuế từ Mỹ đã tạo đà bứt phá cho các doanh nghiệp ngành dệt may và cao su trong nửa đầu năm 2025. Từ những tên tuổi lớn như Vinatex, TNG đến GVR đều ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc, với những con số ấn tượng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Tháng 5/2025, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục đón nhận những tín hiệu tích cực khi kim ngạch xuất khẩu đạt 3,84 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ 2024. Đây không chỉ là con số cao nhất trong lịch sử các tháng 5, mà còn vượt qua cả đỉnh xuất khẩu tháng 5/2022, thời điểm nhu cầu bùng nổ sau đại dịch Covid-19. Tính đến hết 5 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt 17,8 tỷ USD, tăng 10%, tương đương tăng thêm 1,6 tỷ USD so với cùng kỳ.
Trong bức tranh tăng trưởng đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – mã chứng khoán: VGT) tiếp tục cho thấy sức bền ấn tượng. Vinatex cho biết, mặc dù thị trường quốc tế nhiều biến động, doanh nghiệp vẫn giữ được mạch tăng trưởng xuyên suốt từ nửa cuối năm 2024.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy, doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt 9.035 tỷ đồng, hoàn thành 49% kế hoạch năm và tăng 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt gần 556 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch và tăng gần gấp đôi so với nửa đầu năm 2024.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, chính sự chuẩn bị sớm về đơn hàng và kế hoạch sản xuất đã giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong quý 1. Đặc biệt, việc Mỹ hoãn áp thuế đối xứng 90 ngày trong quý 2 đã mang lại cơ hội lớn khi các đơn hàng dài hạn với đơn giá hợp lý nhanh chóng quay trở lại.
Hiện các đơn vị ngành may trong hệ thống Vinatex đã nhận đơn hàng đến tháng 9, tuy nhiên đơn giá vẫn đang chờ đàm phán thêm, phụ thuộc vào tiến trình thương thảo về thuế với Mỹ.
Mục tiêu cả năm 2025 của Vinatex là tăng trưởng khoảng 8%, với lợi nhuận hợp nhất đạt từ 900 – 1.000 tỷ đồng. Để giảm thiểu rủi ro bị áp thuế, Vinatex đã có những bước chuẩn bị về nguồn nguyên liệu. Chủ tịch Vinatex cho biết, mặc dù Việt Nam vẫn phụ thuộc một phần vào nguyên liệu từ Trung Quốc, nhưng tỷ lệ này không lớn hơn so với các quốc gia cạnh tranh trực tiếp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về việc đàm phán tỷ lệ nội địa hóa giữa Việt Nam và Mỹ.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 9/7, cổ phiếu VGT giảm 0,8%, xuống còn 12.400 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch gần 1 triệu đơn vị. Tháng vừa qua, mã này cũng đã tăng gần 10%.
Một cái tên khác trong ngành cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG, sàn HNX). Trong 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu ước đạt 4.073 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và là mức bán niên cao nhất trong 4 năm gần đây. Riêng tháng 6, công ty đạt doanh thu 970 tỷ đồng, con số cho thấy đà tăng đều đặn.
Với kế hoạch năm 2025 đặt mục tiêu doanh thu 8.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 340 tỷ đồng, TNG hiện đã hoàn thành 50% chỉ tiêu doanh thu sau nửa năm. Trong đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG cho biết công ty đã chốt đơn hàng xuất khẩu đến quý 4/2025. Đáng chú ý, đơn hàng từ châu Âu chiếm tới 50%, Mỹ 26% và Nga 10%, cơ cấu thị trường tương đối cân bằng và giàu tiềm năng.
Để đón đầu đà tăng đơn hàng, TNG dự kiến mở thêm 10 dây chuyền may, tuyển 1.000 lao động mới. Đồng thời, công ty tập trung sản xuất các đơn hàng kỹ thuật cao, khác biệt để tối ưu giá trị đơn hàng và biên lợi nhuận. Hội đồng quản trị cũng vừa phê duyệt chủ trương vay tối đa 1.200 tỷ đồng tại Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Thái Nguyên nhằm bổ sung vốn lưu động và tài trợ thương mại cho hoạt động sản xuất – kinh doanh trong thời gian tới.
Trên thị trường chứng khoán ngày hôm nay, cổ phiếu TNG tuy chốt phiên bị giảm 1,88%, xuống còn 20.900 đồng/cổ phiếu, nhưng tháng trước mã này đã tăng tới hơn 13%.
kết phiên giao dịch ngày 9/7, cổ phiếu VGT giảm 0,8%, xuống còn 12.400 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch gần 1 triệu đơn vị. Tháng vừa qua, mã này cũng đã tăng gần 10%.
Không chỉ ngành dệt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR) cũng có một nửa đầu năm sôi động. Với doanh thu ước đạt hơn 11.500 tỷ đồng trong 6 tháng, tương đương gần 40% kế hoạch năm, GVR đã vượt xa tiến độ bình quân các năm. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận 2.500 tỷ đồng, đạt 43% mục tiêu cả năm.
Theo ông Huỳnh Văn Bảo, thành viên lãnh đạo tập đoàn, trước đây GVR thường phân bổ doanh thu mục tiêu theo quý 10% cho quý 1, 20% cho quý 2, 30% cho quý 3 và 40% cho quý 4. Với đà hiện tại, cổ đông có thể hoàn toàn kỳ vọng vào việc hoàn thành kế hoạch năm 2025.
Cụ thể, GVR đặt mục tiêu doanh thu 31.044 tỷ đồng, cao nhất trong giai đoạn 2012–2025. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 5.840 tỷ đồng (tăng 4% so với năm 2024), còn lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.974 tỷ đồng (tăng 3%). GVR dự kiến chia cổ tức 4% trên vốn điều lệ, tương ứng khoảng 1.600 tỷ đồng cho cổ đông.
Để đạt các mục tiêu đề ra, GVR tập trung vào khối cao su, mảng cốt lõi với kế hoạch tăng trưởng ít nhất 7% và dự kiến thu mua thêm 100.000 tấn mủ cao su. Khi khối lượng bán tăng và giá duy trì ở mức cao, doanh thu được kỳ vọng sẽ tăng tương ứng.
Trên thị trường chứng khoán, cùng đà giảm với ngành dệt, cổ phiếu GVR cũng bị giảm trong phiên giao dịch ngày hôm nay 9/7, xuống còn 95.850 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch hơn 3 triệu đơn vị.